Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ là một trong những ngành khoa học thông tin phát triển nhanh nhất ở Việt Nam và khắp thế giới. Ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ bao gồm những ứng dụng thú vị như: Định vị vệ tinh, viễn thám, trắc địa, địa chính và hệ thông tin địa lý. Hãy cùng tìm hiểu ngành học thú vị này trong bài viết dưới đây.
Ngành kỹ thuật địa trắc bản đồ là gì ?
Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ (tiếng Anh là Surveying and Mapping engineering) là một ngành thuộc nhóm ngành Khoa học Trái đất, bao gồm việc thu thập, phân tích và biễu diễn các thông tin không gian dựa trên Trái đất. Sau đó, xử lý, phân tích bởi các công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất và được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Ứng dụng ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ bao gồm: Quy hoạch thành phố và nông thôn, quản lý đô thị, tài nguyên thiên nhiên và môi trường, quy hoạch, quản lý đất đai, bất động sản, quản lý biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phục vụ cho ngành xây dựng, thủy lợi, điện lực, giao thông, địa chính…
Tại sao nên học ngành kỹ thuật địa trắc bản đồ
Cơ hội của ngành kỹ thuật địa trắc bản đồ
Có thể thấy trắc địa bản đồ là một ngành quan trọng trong việc phát triển đất nước, ngành Trắc địa – Bản đồ phục vụ trong công tác thành lập bản đồ, quy hoạch và thiết kế công trình, công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên. Do vậy có thể nói ngành trắc địa có một khối lượng công việc lớn, thời gian làm việc lâu dài, và tính chất công việc đa dạng.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của ngành, Công ty TNHH MTV Trắc địa Bản đồ thực hiện ngày càng nhiều các dự án lớn về đo đạc thành lập bản đồ. Mỗi dự án đều có những công việc đòi hỏi chuyên môn từ thấp đến cao, nên đã tạo ra được nhiều công việc cho một lượng lớn kỹ thuật viên ngành Trắc địa – Bản đồ. Đối với các sinh viên vừa mới ra trường, kiến thức chuyên môn còn hạn hẹp, kinh nghiệm làm thực tế gần như là chưa có, cũng có thể dễ dàng làm việc với những công việc phù hợp như đứng máy, chạy gương để vừa có thể tích luỹ kinh nghiệm thực tế lại kiếm cho mình một khoản thu nhập.
Với “Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ đến năm 2020” đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2008 đã đề ra cho ngành Đo đạc và Bản đồ rất nhiều mục tiêu mang tính chiến lược và lâu dài. Để đáp ứng các mục tiêu đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ ngành Trắc địa – Bản đồ nước nhà phải có trình độ chuyên môn và năng lực cao, vì vậy những sinh viên mong muốn gắn bó lâu dài và cống hiến cho ngành có thể yên tâm để phục vụ.
Mức lương ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ
Đối với các sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, cần được đào tạo từ 6 – 9 triệu/tháng.
Đối với những người đã có kinh nghiệm từ khoảng 1 – 2 năm là 10 – 15 triệu/tháng.
Đối với cấp quản lý cấp cao từ 20 – 30 triệu/tháng.
Thách thức của ngành kỹ thuật địa trắc bản đồ
Ngành Trắc địa – Bản đồ là một ngành kỹ thuật đòi hỏi sinh viên phải đáp ứng được nhiều yếu tố như: kiến thức về chuyên ngành trắc địa và bản đồ, kỹ năng sử dụng máy đo và máy tính, tính cẩn thận và tỷ mĩ trong công việc. Trong khi đó kiến thức sinh viên được học trên nhà trường chỉ dừng lại ở mức cơ sở, chưa có điều kiện giúp sinh viên đi sâu và sát với thực tế. Do đó để nắm bắt kiến thức sâu hơn yêu cầu sinh viên phải có đầu óc tư duy sáng tạo, chăm chỉ học tập, nghiên cứu kiến thức mới, học hỏi các kinh nghiệm từ những người đi trước và thường xuyên tự bồi dưỡng bản thân.
Ngành Trắc địa – Bản đồ gồm có 2 công tác chính là công tác nội nghiệp và công tác ngoại nghiệp. Với những người làm công tác ngoại nghiệp đặc thù công việc là phải đi nhiều chỗ từ đồng bằng đến miền núi, nông thôn đến thành phố. Do vậy điều kiện sinh hoạt vất vả, chỗ ăn ở không cố định trong khi đôi lúc mức lương mà doanh nghiệp hoặc công ty chi trả không tương xứng với mức lao động của bản thân dễ làm cho những người trong nghề và đặc biệt là sinh viên mới ra trường chán nản, và không gắn bó lâu dài với nghề.
Nhiều nhà tuyển dụng quan tâm đến kỹ năng tay nghề khi phỏng vấn hay thi tuyển. Trong khi đó, không ít số lượng sinh viên không có kinh nghiệm thực tế do đó đòi hỏi sau khi ra trường sinh viên chưa được tuyển dụng, bắt buộc phải trang bị lại kiến thức cơ bản và kiến thức cơ sở, nâng cao tay nghề.
Trong giai đoạn công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão, sự kết hợp giữa tin học và trắc địa bản đồ đã tạo ra những bước đột phá mới trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ. Ở các nước phát triển với sự trợ giúp của tin học, ngành Trắc địa – Bản đồ đạt được rất nhiều thành tựu đáng kể, do đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ ngành Trắc địa – Bản đồ phải nắm bắt công nghệ, bồi dưỡng kiến thức tin học đặc biệt là lập trình để có thể bắt kịp xu hướng và đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Học ngành kỹ thuật địa trắc bản đồ là học gì
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ trang bị cho sinh viên những kiến thức và lý luận về thực tiễn của khoa học đo đạc và bản đồ, biểu thị và quản lý dữ liệu không gian có liên quan đến các đặc điểm vật lý của Trái đất và do con người tạo ra. Các lĩnh vực chuyên sâu ngành gồm có: Trắc địa, Địa chính, Bản đồ, Trắc địa ảnh, Viễn thám và Hệ thông tin địa lý.
Ngành học giúp sinh viên nắm vững công nghệ mới trong phân tích, xử lý các thông tin không gian, như định vị vệ tinh, viễn thám, trắc địa, và hệ thông tin địa lý phục vụ các dự án từ giao thông, thủy lợi, xây dựng, giao thông, nông lâm nghiệp, cấp thoát nước. Ngoài ra, ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ còn ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám để giải quyết các bài toán phục vụ lĩnh vực khoa học như: địa chính, quy hoạch thành, quản lý đô thị, quản lý và quy hoạch sử dụng đất, định giá thống kê và đánh giá quản lý thị trường bất động sản.
Một số lĩnh vực chuyên ngành
– Trắc địa bản đồ (surveying and maping): đo vẽ các loại bản đồ phục vụ cho dân dụng như: công tác địa chính, đo vẽ bản đồ địa hình quy hoạch xây dựng,…) và quân sự
– Trắc địa công trình: khảo sát thiết kế công trình, triển khai bản vẽ thiết kế của công trình ra thực địa set out, phục vụ thi công và giám sát thi công xây dựng công trình đúng bản vẽ thiết kế, quan trắc chuyển dịch và biến dạng của các công trình và nền móng công trình trong toàn bộ tuổi đời của công trình. Công cụ đo chủ yếu bằng các loại máy đo đạc: máy kinh vĩ, máy thủy bình, máy dọi laser, máy toàn đạc điện tử, máy định vị GPS…
– Trắc địa mỏ (mining geodesy)
– Trắc địa cao cấp (higher geodesy): đo đạc trên quy mô toàn cầu
– Viễn thám (remote sensing): đây là phân ngành trắc địa đo vẽ từ ảnh hàng không (máy bay,…) sau quá trình bay chụp, bằng tàu biển (đo vẽ thềm lục địa, đáy đại dương,…). Công cụ đo có thể bằng: máy ảnh, thiết bị siêu âm, ra đa vô tuyến điện,…
– Trắc địa ảnh (photogrammetry): đây là lĩnh vực xử lý kết quả trắc địa qua ảnh định vị vệ tinh (GPS): định vị địa vật và đo vẽ địa hình bằng vệ tinh địa tĩnh (là loại viễn thám đặc biệt)
– Hệ thống thông tin địa lý (GIS): là chuyên ngành về phần mềm và cơ sở dữ liệu địa lý (công nghệ thông tin)
Các khối thi vào ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ
Ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ có mã ngành là 7520503, xét tuyển các tổ hợp môn sau:
A00 (Toán, Vật lý, Hóa học)
A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh)
A02 (Toán, Vật lý, Sinh học)
B00 (Toán, Hóa học, Sinh học)
D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh)
D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh)
Sinh viên học kỹ thuật địa trắc ra trường làm gì?
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ sẽ có cơ hội nghề nghiệp bao gồm các công việc về lập bản đồ địa hình, địa chính và chuyên đề phục vụ cho công tác xây dựng và quản lý, công việc về bố trí các công trình nhà cao tầng, cầu, hầm, về xây dựng hệ thông tin địa lý và quản lý đất đai. Cụ thể các công việc sau:
Chuyên viên trắc địa, quản lý đất đai làm việc trong các cơ quan nhà nước, các viện từ Trung ương tới địa phương trong lĩnh vực trắc địa bản đồ, địa chính, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai.
Chuyên viên khảo sát, thi công: Làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước về thủy lợi, giao thông, nông lâm nghiệp, hằng hải hay các công ty trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công các công trình.
Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp về trắc địa bản đồ.
Cán bộ nghiên cứu: công tác trong các Viện nghiên cứu liên quan đến trắc địa bản đồ thuộc các Bộ ngành và các trường đại học.
Làm việc trong các tổ chức quốc tế, các công ty, tập đoàn liên doanh nước ngoài chuyên ngành trắc địa bản đồ, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS).
Chuyên viên phân tích, đánh giá, tổng kết, dữ liệu và dự báo, xây dựng chiến lược, lập kế hoạch, xây dựng chương trình, dự án đầu tư, soạn thảo và tổ chức thực hiện chính sách, đề xuất giải pháp thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, bạn có thể làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên và khoáng sản, Ban Quản lý Dự án các khu kinh tế, khu công nghiệp, ban quản lý các dự về môi trường đô thị, công nghiệp, nông thôn, biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên…
Môi trường làm việc
– Công việc khảo sát bao gồm cả công việc thực địa lẫn nội nghiệp (làm việc trong văn phòng/tại nhà):
+ Công việc thực địa liên quan đến lĩnh vực làm việc ngoài trời, có thể đứng trong thời gian dài, và đi bộ ở khoảng cách đáng kể. Kỹ sư trắc địa đôi khi phải leo lên ngọn đồi với những dụng cụ và thiết bị khá nặng. Khi làm việc bên ngoài, họ phải tiếp xúc với tất cả các loại thời tiết, và họ có thể cần phải dừng công việc trong thời tiết xấu.
+ Kỹ sư trắc địa cũng làm nhiều công việc nội nghiệp, bao gồm cả nghiên cứu hồ sơ đất đai, phân tích dữ liệu khảo sát thực địa, lập bản đồ, trình bày thông tin cho cơ quan quản lý, và cung cấp lời khai chuyên gia trong các tòa án theo quy định của pháp luật.
– Đôi khi các chuyến công tác xa là một phần của công việc, và kỹ sư trắc địa có thể đi làm xa hoặc ở lại tại các địa điểm dự án cho một khoảng thời gian.
Những tố chất phù hợp với ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ
Ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ đòi hỏi người học có những tố chất và kỹ năng sau:
Nắm bắt nhanh về công nghệ;
Có kỹ năng tin học, lập trình;
Kỹ năng giải quyết tình huống;
Có kỹ năng làm việc nhóm và làm việc độc lập;
Phân tích, xử lý thông tin nhanh;
Nghiêm túc, cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc.
Các trường đào Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ
Nếu muốn theo học ngành Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ, bạn có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học sau:
Đại học Thủy lợi
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Đại học Mỏ – Địa Chất Hà Nội
Đại học Tài nguyên Môi trường TP.HCM
Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM
Đại học Khoa học – Đại học Huế
Đại học Công nghiệp Quảng Ninh
Trên đây là những thông tin liên quan đến ngành kỹ thuật địa trắc do dean2020.edu.vn đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng rằng với những chia sẻ trên đây bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hơn về ngành học của mình nhé!