Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Những bài thơ hay của nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà thơ Trần Đăng Khoa sinh ngày 24-4-1958 tại Tỉnh Hải Dương, nước Việt Nam. Ông sống và làm việc chủ yếu ở Thành phố Hà Nội, nước Việt Nam. Ông sinh thuộc cung Kim Ngưu, cầm tinh con (giáp) chó (Mậu Tuất 1958). Trần Đăng Khoa xếp hạng nổi tiếng thứ 48143 trên thế giới và thứ 226 trong danh sách Nhà thơ nổi tiếng. Cùng chúng tôi điểm qua những sáng tác nổi tiếng của nhà thơ Trần Đăng Khoa qua bài viết dưới đây bạn nhé!

Tổng hợp những bài thơ hay nhất của nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

1.Sao không về Vàng ơi

Tao đi học về nhà
Là mày chạy xồ ra
Đầu tiên mày rối rít
Cái đuôi mừng ngoáy tít
Rồi mày lắc cái đầu
Khịt khịt mũi, rung râu
Rồi mày nhún chân sau
Chân trước chồm, mày bắt
Bắt tay tao rất chặt
Thế là mày tất bật
Đưa vội tao vào nhà
Dù tao đi đâu xa
Cũng nhớ mày lắm đấy
Hôm nay tao bỗng thấy
Cái cổng rộng thế này!
Vì không thấy bóng mày
Nằm chờ tao trước cửa
Không nghe tiếng mày sủa
Như những buổi trưa nào
Không thấy mày đón tao
Cái đuôi vàng ngoáy tít
Cái mũi đen khịt khịt
Mày không bắt tay tao
Tay tao buồn làm sao!
Sao không về hả chó?
Nghe bom thằng Mỹ nổ
Mày bỏ chạy đi đâu?
Tao chờ mày đã lâu
Cơm phần mày để cửa
Sao không về hả chó?
Tao nhớ mày lắm đó
Vàng ơi là Vàng ơi!
2: Trăng ơi… từ đâu đến
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ cánh rừng xa
Trăng hồng như quả chín
Lửng lơ lên trước nhà
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay biển xanh diệu kỳ
Trăng tròn như mắt cá
Chẳng bao giờ chớp mi
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ một sân chơi
Trăng bay như quả bóng
Bạn nào đá lên trời
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ lời mẹ ru
Thương Cuội không được học
Hú gọi trâu đến giờ!
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ đường hành quân
Trăng soi chú bộ đội
Và soi vàng góc sân
Trăng ơi… từ đâu đến?
Trăng đi khắp mọi miền
Trăng ơi có nơi nào
Sáng hơn đất nước em…

3 : Hạt gạo làng ta

Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay…
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
Hạt gạo làng ta
Những năm bom Mỹ
Trút trên mái nhà
Những năm cây súng
Theo người đi xa
Những năm băng đạn
Vàng như lúa đồng
Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông…
Hạt gạo làng ta
Có công các bạn
Sớm nào chống hạn
Vục mẻ miệng gàu
Trưa nào bắt sâu
Lúa cao rát mặt
Chiều nào gánh phân
Quang trành quết đất
Hạt gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về phương xa
Em vui em hát
Hạt vàng làng ta…
4: Ảnh Bác
Nhà em treo ảnh Bác Hồ
Bên trên là một lá cờ đỏ tươi
Ngày ngày Bác mỉm miệng cười
Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà
Ngoài sân có mấy con gà
Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi
Em nghe như Bác dạy lời
Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa
Trồng rau, quét bếp, đuổi gà
Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi
Bác lo bao việc trên đời
Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em…

5: Mẹ ốm

Mọi hôm mẹ thích vui chơi
Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu
Lá trầu khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay
Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan
Khắp người đau buốt, nóng ran
Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm
Người cho trứng, người cho cam
Và anh bác sĩ đã mang thuốc vào
Sáng nay trời đổ mưa rào
Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi
Mẹ vui, con có quản gì
Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con sắm cả ba vai chèo
Vì con mẹ khổ đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn
Con mong mẹ khoẻ dần dần
Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say
Rồi ra đọc sách, cấy cày
Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…

6: Cây dừa

Cây dừa xanh toả nhiều tàu
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng
Thân dừa bạc phếch tháng năm
Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao
Đêm hè hoa nở cùng sao
Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh
Ai mang nước ngọt, nước lành
Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa
Tiếng dừa làm dịu nắng trưa
Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo
Trời trong đầy tiếng rì rào
Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra…
Đứng canh trời đất bao la
Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi
7: Buổi sáng nhà em
Ông trời nổi lửa đằng đông
Bà sân vấn chiếc khăn hồng đẹp thay
Bố em xách điếu đi cày
Mẹ em tát nước, nắng đầy trong khau
Cậu mèo đã dậy từ lâu
Cái tay rửa mặt, cái đầu nghiêng nghiêng
Mụ gà cục tác như điên
Làm thằng gà trống huyên thuyên một hồi
Cái na đã tỉnh giấc rồi
Đàn chuối đứng vỗ tay cười, vui sao!
Chị tre chải tóc bên ao
Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương
Bác nồi đồng hát bùng boong
Bà chổi loẹt quẹt lom khom trong nhà

8: Đám ma bác giun

Bác Giun đào đất suốt ngày
Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà
Họ hàng nhà kiến kéo ra
Kiến con đi trước, kiến già theo sau
Cầm hương kiến Đất bạc đầu
Khóc than kiến Cánh khoác màu áo tang
Kiến Lửa đốt đuốc đỏ làng
Kiến Kim chống gậy, kiến Càng nặng vai
Đám ma đưa đến là dài
Qua những vườn chuối, vườn khoai, vườn cà
Kiến Đen uống rượu la đà
Bao nhiêu kiến Gió bay ra chia phần…
9: Kể cho bé nghe
Hay nói ầm ĩ
Là con vịt bầu
Hay hỏi đâu đâu
Là con chó vện
Hay chăng dây điện
Là con nhện con
Ăn no quay tròn
Là cối xay lúa
Mồm thở ra gió
Là cái quạt hòm
Không thèm cỏ non
Là con trâu sắt
Rồng phun nước bạc
Là chiếc máy bơm
Dùng miệng nấu cơm
Là cua, là cáy
Chẳng vui cũng nhảy
Là chú cào cào
Đêm ngồi đếm sao
Là ông cóc tía
Ríu ran cành khế
Là cậu chích choè
Hay múa xập xoè
Là cô chim trĩ…

10: Góc sân và khoảng trời

Góc sân nho nhỏ mới xây
Chiều chiều em đứng nơi này em trông
Thấy trời xanh biếc mênh mông
Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy…
11: Em vào đại học
Thế là em đã vào đại học
Anh được tin khi nghỉ trên đỉnh dốc
Từ đây đến quê nhà mờ mịt những rừng cây
Anh mừng cho em, em có hay?
Anh nhớ ngày nào em còn thơ ngây
Mẹ ra đồng cày. Bố vào lò gạch
Chị trực chiến xa. Cả nhà vắng hết
Em thơ thẩn một mình, đánh tam cúc với mèo khoang
Anh nhớ những hôm giặc Mỹ bắn vào làng
Trường anh ven đồng, bom cũng xô tốc ngói
Anh ngồi giữa bạn bè, nhưng làm sao học nổi
Em với mèo có kịp tới hầm không?
Anh buồn cười nhớ những buổi chiều râm
Trên góc sân nhà, anh bày cho em học
Chữ dài quá, em đánh vần không được
Thế là lại khóc nhè
Mười mấy năm thoáng chốc qua đi
Em đã thành cô sinh viên rồi đấy
Cùng với em, một lớp người lớn dậy
Anh làm sao có thể hình dung
Lại thương em, buổi chiều anh lên đường
Cả nhà tiễn anh đi mà em thì vắng mặt
(Em gánh phân. Mưa trắng đồng hợp tác
Anh đi rồi. Bố mẹ biết nhờ ai?)
Anh đã vượt qua những dốc bom dài
Những vùng đất thương đau, những khoảng trời sốt rét
Em lớn bổng lúc nào anh chẳng biết
Cứ ngỡ rằng em vẫn bé không
Hôm nay em đến giảng đường
Anh hằng khao khát
Thế hệ anh, mấy lớp người đi cứu nước
Có bao anh chưa tới được lớp mười
Có bao anh nằm lại dọc đường rồi
Những con suối không tên, những ngọn đồi không tuổi
Có thể sau này em dẫn học trò tới
Chỉ thấy im lìm rừng xanh với núi xanh
Mong sao ngày đất nước yên lành
Anh lại về cùng em vui chơi như thuở nhỏ
Trên góc sân nhà, em là cô giáo nhé
Anh làm chú học trò. Và bài học đầu tiên…

12. Bài ca người lính thời bình

Đất nước không bóng giặc
Tưởng về gần lại xa
Vẫn gian nan làm bạn
Vẫn gió sương làm nhà
Bãi hoang thành đô thị
Ai đi áo dài bay
Còn ta thì trần trụi
Lấm lem hơn thợ cày
Trước giặc là lính cựu
Sau trâu là tân binh
Cái nghèo và cái dốt
Bày trận giữa thời bình
Em vẫn thầm lộng lẫy
Chờ ta như thuở nào
Lặn lội tìm biết có
Gặp ta trong chiêm bao
Giờ những kẻ thù xưa
Trông mặt đều quen cả
Có gì đâu máu người
Chẳng phải là nước lã
Các cậu đến làm bạn
Thôi thì xả láng chơi
Còn nếu sang làm giặc
Chúng tớ cho chầu giời!
Pháo nằm như mơ ngủ
Núi bay dải mây tình
Các cậu đừng có tưởng
Chúng tớ – lính thời bình…

13: Cây Bàng Mùa Đông

Suốt mùa hè chịu nắng
Che mát các em chơi
Đến đêm đông giá lạnh
Lá còn cháy đỏ trời

14: Mặt bão

Bão đến ầm ầm
Như đoàn tàu hoả
Bão đi thong thả
Như con bò gầy
Xanh đẹp là cây
Bão vặt trụi hết
Mặt bão thế nào
Suy ra cũng biết…

15: Cánh Diều

Cánh diều no gió
Sáo nó thổi vang
Sao trời trôi qua
Diều thành trăng vàng
Cánh diều no gió
Tiếng nó trong ngần
Diều hay chiếc thuyền
Trôi trên sông Ngân
Cánh diều no gió
Tiếng nó chơi vơi
Diều là hạt cau
Phơi trên nong trời
Trời như cánh đồng
Xong mùa gặt hái
Diều em – lưỡi liềm
Ai quên bỏ lại
Cánh diều no gió
Nhạc trời réo vang
Tiếng diều xanh lúa
Uốn cong tre làng
Ơi chú hành quân
Cô lái máy cày
Có nghe phơi phới
Tiếng diều lượn bay?
Tiếng diều vàng nắng
Trời xanh cao hơn
Dây diều em cắm
Bên bờ hố bom…

16: Gửi theo các chú bộ đội

Cháu nghe chú đánh những đâu
Những tàu chiến cháy, những tàu bay rơi
Đến đây chỉ thấy chú cười
Chú đi gánh nước, chú ngồi đánh bi
Rồi từ nhà cháu chú đi
Lúa chiêm vào mẩy, chim ri bay về
Nghiêng nghiêng buồng chuối bên hè
Rặng tre, bãi mía bốn bề vẫy theo…
Chú qua bao suối bao đèo
Đến nay chắc đã thêm nhiều chiến công
Ngoài này cháu đứng cháu trông
Những đêm súng nổ, lửa hồng chân mây
Cháu về lớp cũ tường xây
Thông hào luồn dưới bóng cây xanh rờn
Chú đi phá nốt bốt đồn
Cuối trời còn giặc, chú còn ra đi
Vẫn mong ngày chú trở về
Lại ngồi với cháu bên hè đánh bi…

17: Khi mẹ vắng nhà

Khi mẹ vắng nhà, em luộc khoai
Khi mẹ vắng nhà, em cùng chị giã gạo
Khi mẹ vắng nhà, em thổi cơm
Khi mẹ vắng nhà, em nhổ cỏ vườn
Khi mẹ vắng nhà, em quét sân và quét cổng
Sớm mẹ về, thấy khoai đã chín
Buổi mẹ về, gạo đã trắng tinh
Trưa mẹ về, cơm dẻo và ngon
Chiều mẹ về, cỏ đã quang vườn
Tối mẹ về, cổng nhà sạch sẽ
Mẹ bảo em: Dạo này ngoan thế!
– Không mẹ ơi! Con đã ngoan đâu
Áo mẹ mưa bạc màu
Đầu mẹ nắng cháy tóc
Mẹ ngày đêm khó nhọc
Con chưa ngoan, chưa ngoan!

18: Em gặp Bác Hồ

Có ai se sẽ ngồi xuống đầu giườn
Đưa bàn tay mát như kem sữa
Xoa lên trán em đang dịu lửa
Vuốt lên mắt em đang bớt mờ
A, Bác Hồ!
Bác Hồ ta đó!
Bác mặc tấm áo ka ki
Bàng bạc sương rừng Pắc Bó
Trán Bác có ngôi sao
Thảo nào
Bác đi đêm không lạc
Bác cười rung rung chòm râu
Mắt Bác sao mà thương thế
Tóc Bác thơm lừng gió bể
Thơm nắng đường xa
Bác cho em nhiều quà
Và khen dạo này em béo khỏe
Hơn ngày xưa nhiều
Cúc áo em bị đứt từ chiều
Đêm phanh ra, hở ngực
Bác đắp vào cho em
Rồi Bác ra rất êm
Bác đi!
Bác đi rồi!
Em bỗng oà lên khóc
Tỉnh dậy thấy ướt đầm mái tóc
Nhìn xem Bác có đâu đây
Chỉ thấy đầy trời đèn sáng, mưa bay
Người người lặng im đi viếng Bác
Bóng đèn rưng rưng nước mắt…
Đúng rồi
Bệnh viện em vừa truy điệu Bác chiều nay
Nhưng Bác chỉ yên nghỉ ban ngày
Chứ ban đêm là Bác rời linh cữu
Bác chào chú đứng gác
Rồi đi vòng quanh khắp trên thế giới
Để chăm sóc trẻ con
Nhất là đứa nào phải nằm trong bệnh viện…

19: Mưa

Sắp mưa
Sắp mưa
Những con mối
Bay ra
Mối trẻ
Bay cao
Mối già
Bay thấp
Gà con
Rối rít tìm nơi
Ẩn nấp
Ông trời
Mặc áo giáp đen
Ra trận
Muôn nghìn cây mía
Múa gươm
Kiến
Hành quân
Đầy đường
Lá khô
Gió cuốn
Bụi bay
Cuồn cuộn
Cỏ gà rung tai
Nghe
Bụi tre
Tần ngần
Gỡ tóc
Hàng bưởi
Đu đưa
Bế lũ con
Đầu tròn
Trọc lốc
Chớp
Rạch ngang trời
Khô khốc
Sấm
Ghé xuống sân
Khanh khách
Cười
Cây dừa
Sải tay
Bơi
Ngọn mùng tơi
Nhảy múa
Mưa
Mưa
Ù ù như xay lúa
Lộp bộp
Lộp bộp…
Rơi
Rơi…
Đất trời
Mù trắng nước
Mưa chéo mặt sân
Sủi bọt
Cóc nhảy chồm chồm
Chó sủa
Cây lá hả hê
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa…

20: Tiếng Võng Kêu

Kẽo cà kẽo kẹt
Kẽo cà kẽo kẹt
Tay em đưa đều
Ba gian nhà nhỏ
Đầy tiếng võng kêu
Kẽo cà kẽo kẹt
Mênh mang trưa hè
Chim co chân ngủ
Lim dim cành tre
Kẽo cà kẽo kẹt
Cây na thiu thiu
Mắt na hé mở
Nhìn trời trong veo
Kẽo cà kẽo kẹt
Võng em chao đều
Chim ngoài cửa sổ
Mổ tiếng võng kêu
Kẽo cà kẽo kẹt
Xưa mẹ ru em
Cũng tiếng võng này
Cánh cò trắng muốt
Bay – bay – bay – bay…
Kẽo cà kẽo kẹt
Bé Giang ngủ rồi
Tóc bay phơ phất
Vương vương nụ cười…
Trong giấc em mơ
Có gặp con cò
Lặn lội bờ sông
Có gặp cánh bướm
Mênh mông, mênh mông
Có gặp bóng mẹ
Lom khom trên đồng
Gặp chú pháo thủ
Canh trời nắng trong
Em ơi cứ ngủ
Tay anh đưa đều
Ba gian nhà nhỏ
Đầy tiếng võng kêu
Kẽo cà kẽo kẹt
Kẽo cà kẽo kẹt
Kẽo cà…
…kẽo kẹt

Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Trần Đăng Khoa

Tiểu sử nhà thơ Trần Đăng Khoa

Trần Đăng Khoa là một nhà thơ nổi tiếng được mệnh danh là “Thần đồng thơ trẻ”. Ông cũng là một nhà văn và một nhà báo. Ông giữ chức vụ biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nguyên là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, Giám đốc Hệ Phát thanh có hình của kênh VOVTV của Đài tiếng nói Việt Nam. Hiện nay, ông giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa bắt đầu sáng tác từ rất sơm, năm 8 tuổi ông đã có một số sáng tác được in trên báo. Năm 10 tuổi, ông đã cho xuất bản tập thơ đầu tiên với nhan đề “Từ góc sân nhà em “(1968). Cũng trong năm 1968, ông đã cho ra mắt tập thơ thứ hai là “Góc sân và khoảng trời” do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Trong đó, bài thơ “Hạt gạo làng ta” sáng tác năm 1968, là bài thơ phổ biến nhất của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Bài Thơ này đã được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc năm 1971, bài hát được rất nhiều người yêu thích, nhất là lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.
Năm 10 tuổi, nhà thơ Trần Đăng Khoa là người đề nghị đổi câu thơ “Đường ta đi rộng thênh thang tám thước” trong bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu , thành “Đường ta rộng thênh thang ta bước” . Điều này đã làm cho giới văn học Việt Nam một phen ngỡ ngàng.

Những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ

Trần Đăng Khoa không có nhiều tác phẩm, và danh hiệu “thần đồng thơ trẻ” của nhà thơ thời thơ ấu không hề liên quan hay được nối tiếp đến quãng đời về sau khi nhà thơ tham gia nhập ngũ, theo học ở Nga, khi về nước làm biên tập viên, làm báo. Thi hứng một thời không là động lực cho cảm xúc khi tác giả đã cao tuổi. Những tác phẩm nổi bật của Trần Đăng Khoa:
Từ góc sân nhà em, 1968.
Góc sân và khoảng trời, tập thơ, 1968, 107 bài thơ, tái bản khoảng 30 lần, được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên toàn thế giới.
Đi đánh thần Hạn, trường ca 4 chương, 1970.
Thơ Trần Ðăng Khoa (tập 1), tuyển tập thơ, 1970.
Trường ca Trừng phạt, trường ca, 1973.
Khúc hát người anh hùng, trường ca, 1974.
Trường ca Giông bão, trường ca, 1983.
Thơ Trần Đăng Khoa (tập 2), tuyển tập thơ, 1983.
Bên cửa sổ máy bay, tập thơ, 1986, 26 bài thơ.
Chân dung và đối thoại, tiểu luận phê bình, Hà Nội: Nhà xuất bản Thanh niên, 1998, tái bản nhiều lần. Tác giả cho biết ban đầu đã dự kiến phát hành tập II của tác phẩm này, nhưng hiện đã gộp bản thảo vào phần I để tái bản.
Bài “Thơ tình người lính biển” đã được Hoàng Hiệp phổ nhạc.
Đảo chìm, tập truyện – ký, 2000, đến đầu năm 2009 đã tái bản 25 lần.
Hầu chuyện Thượng đế, đàm thoại văn học, 2015, gồm 80 bài.
Đảo chìm Trường Sa, tuyển tập thơ văn, 2016.

Thành tích của nhà thơ Trần Đăng Khoa

Giải thưởng thơ của báo Thiếu niên Tiền phong các năm 1968, 1969, 19711
Giải nhất báo Văn nghệ năm 1982
Giải thưởng Nhà nước năm 2000
Trần Đăng Khoa sáng tác không nhiều, những tác phẩm nổi bật của ông như:
Từ góc sân nhà em, 1968.
Góc sân và khoảng trời, tập thơ, 1968, tái bản khoảng 30 lần, được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên toàn thế giới
Khúc hát người anh hùng, trường ca, 1974.
Bên cửa sổ máy bay, tập thơ, 1986.
Chân dung và đối thoại, tiểu luận phê bình, Hà Nội: Nhà xuất bản Thanh niên, 1998, tái bản nhiều lần. Tác giả cho biết ban đầu đã dự kiến phát hành tập II của tác phẩm này, nhưng hiện đã gộp bản thảo vào phần I để tái bản.
Bài “Thơ tình người lính biển” đã được Hoàng Hiệp phổ nhạc.
Đảo chìm, tập truyện – ký, đến đầu năm 2009 đã tái bản 25 lần.
Trên đây là đôi nét về những tác phẩm và tiểu sử nhà thơ Trần Đăng Khoa do dean2020.edu.vn đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hơn về nhà thơ bạn nhé!

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *