Nhà thơ Quang Dũng – Nhà thơ với những sáng tác sống mãi với thời gian

Quang Dũng (tên thật là Bùi Đình Diệm; 1921 – 13 tháng 10 năm 1988) là một nhà thơ Việt Nam. Ông là tác giả của một số bài thơ nổi tiếng như Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ… Ngoài ra Quang Dũng còn là một họa sĩ, nhạc sĩ. Ông thuộc thế hệ các nhà thơ miền Bắc trưởng thành và nổi danh sau Cách mạng tháng Tám. Cuộc đời và sự nghiệp của Quang Dũng đã được một số người so sánh với một tên tuổi đương thời khác là Văn Cao (1923–1995) do có không ít những điểm rất tương đồng (dù không hoàn toàn giống nhau) giữa hai con người nổi tiếng đa tài này của lịch sử văn nghệ Việt Nam trong thế kỷ 20. Cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về nhữn sáng tác nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng cũng như đôi nét về tiểu sử của nhà thơ qua bài viết dưới đây bạn nhé!

Tổng hợp những sáng tác hay của nhà thơ Quang Dũng

Tổng hợp những sáng tác hay của nhà thơ Quang Dũng

Tây Tiến

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi !
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Đôi mắt người Sơn Tây

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao lần quê
Bất Bạt Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?
Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng em còn bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Tử độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ơi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Thương vườn ruộng khôn khuây
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?

Đôi bờ

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai?
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh bến Tề
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em người mỗi ngã
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?

Quán bên đường

Tôi khách qua đường, trưa nắng gắt
Nghỉ nhờ đây quán lệch tường xiêu
Giàn mướp nghèo không hứa hẹn bao nhiêu
Mùa gạo đắt, đường xa, thưa khách vắng
Em đắp chăn dầy, tóc em trĩu nặng
Tôi mồ hôi ra ngực áo chan chan…
Đường tản cư bao suối lạ sương ngàn
Em mê sảng sốt hồng đôi má
Em có một mình nhà hoang vắng quá
Mảnh chăn đào em đắp, có hoa thêu
Hàng của em, chai lọ xác xơ nghèo
Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá
Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa
Em tản cư, tôi là lính tiền phương
Xa Hà Nội, cùng nhau, từ một thuở
Lòng rưng rưng thương nhau quá dọc đường
Tiền nước trả em rồi. Nắng gắt
Đường xa xa mờ núi và mây
Hồn lính vương vài qua sợi tóc
Tôi thương mà em đâu có hay…

Lính râu ria

Khuya khoắt sông bờ vắng
Lửa hồng quán tản cư
Lính mấy chàng vất vả
Tìm sống một đêm thơ
Một người kêu cà-phê
Một anh gọi thuốc lá
Một người nhìn sau trước…
– Chị ơi! Ly rượu nhỏ!
Rượu nhỏ một ly thôi
Một ly cho đỏ mặt
Cho lên hương cuộc đời
– Chị ơi! Cháu ngủ đâu
Rồi anh bế con chị
Anh lim dim cúi đầu
Cô bé cười chúm chím
Mắt non nhìn như sao
Đôi mắt nhìn như sao
Má hồng như trái mận
Mùa đang độ ngọt ngào!
Bàn tay như rễ cây
Bộ râu hơn bàn chải
Anh ôm con người ta
Anh ôm ghì nó mãi
Cô bé năm tháng trời
Tuổi anh vừa ba mươi
Vợ anh giờ này đâu?
Anh mỉm cười rười rượi
Khi anh về đã xa
Chị dọn hàng đi ngủ
Chép miệng trong hơi chăn
Chị buồn chi không rõ
Khuya khoắt sông bờ vắng
Tiếng súng rền xa xa
Lính mấy chàng phanh ngực
Hát nhẹ lên bài ca…
Kênh đào, cuối thu đông 1948

Bố hạ

Cuối năm trên đường đi Bố Hạ
Tháng chạp mùa cam lửa đốm vườn
Bãi sỏi quanh co dòng nước chậm
Cheo leo cầu tạm vắt sông Thương
Xe ngựa bình yên leo dốc đỏ
Cuối năm trên đường đi Bố Hạ
Đỉnh đồi quán sậy dựng phên lau
Ngựa dừng rủ bụi than tàu hoả
Đường ấp chia tay khách hỏi chào
Cuối năm trên đường đi Bố Hạ
Ruộng bậc thang còn trơ gốc rạ
Rừng núi mờ xa khói trẻ trâu
Tơi nón trung du em về đâu
Nhớ ai trên đường đi Bố Hạ…
Rừng xa Yên Thế hùm thiêng nằm
Đồn cũ Phồn Xương rét cuối năm
Râu tóc tướng quân cờ nghĩa ruổi
Ngựa chiến băng đường dấu còn mới
Nép bóng vườn cam đường Bố Hạ
Mả Tây, tri huyện lập công làm
Bia ký quân thù trận Nhã Nam.

Đường Trăng

Đường ấy dừa trăng như cổ tích
đường vào những truyện thuở ngày xanh
đường qua bến lội ngang người cát
biển thuỷ triều dâng mặn nước lành
Đường ấy đi về qua bóng núi
miếu đêm soi lạnh xuống sông dài
lay động màn sương trên khói sóng
thuyền khơi ai gõ mạn xa khơi
Đường ấy sao khuya đầm nước mắt
trong vời như ngọc, lá tre xanh
giếng làng còn ướt trăng trên đá
chim ngủ xôn xao độn lá cành
Là những đường đi qua ngõ trúc
mẹ gìà thao thức ngó qua phên
hành quân trong đám người đêm ấy
biết có con thương của mẹ hiền
Là những đường trăng qua bến láng
hoa nhài thơm ngõ đượm quân trang
lớp này lớp khác người sang hết
thuyền lại nằm phơi dưới nguyệt vàng
Là bước quân đi đường kháng chiến
lòng thôn trăng giải biết bao nhiêu
bao nhiêu giấc ngủ làng thôn động
gà chợt nhầm canh chợt gáy theo.

Cố Quận

Trăng sáng vẫn vờn đôi bóng cau
Ngồi đây mà gửi nhớ phương nào
Gió mát lung linh vầng Bắc Đẩu
Tiếng hè ếch nhái rộn bờ ao.
Ngồi đây năm năm miền ly hương
Quê người đôi gót mải tha phương
Có những chiều chiều trăng đỉnh núi
Nhà ai chày gạo giã đêm sương
Tịch mịch sầu vơi bèo râm ran
Côn trùng im ỉm lối trăng tàn
Người ơi quê cũ đèn hoe ngọn
Tóc bạc trông chừng cảnh héo hon
Ngõ trúc quanh quanh sầu bóng lá
Trăng vàng rơi rắc nẻo nào xưa
Ngõ cũ không mong người trở lại
Mà mùi hoa mộc vẫn thơm đưa
Đốt khói lên rồi hương viễn vông
Dòng xanh thoáng biến cảnh hư không
U hiển liễu trai về quá khứ
Chuối vườn rũ lá đóm bay vòng
Em ơi, em ơi đêm dần vơi
Trông về phương ấy ngóng trông người
Trăng có soi qua vầng tóc bạc
Nẻo về cố quận nhớ thương ôi!

Hồ Nam

Ai biết Hồ Nam giờ ra sao?
Xa cách hồn quê động bóng cau
Ðám cưới qua đò quai nón mới
Mười năm còn tưởng bóng cô dâu
Ai biết Hồ Nam giờ đổi thay
Bãi sỏi gầm quanh nước réo ngày
Em nhỏ tắm trâu chiều núi biếc
Giờ em chiến sĩ ở đâu đây
Ai nhớ Hồ Nam mây trắng xa
Giây nói tham mưu giăng mọi nhà
Tư lệnh cùng dân ăn cỗ giỗ
Ði rồi còn nhắc mãi quân ta
“Một hàng cau phơ phất
Một hàng mây xa xôi
Trong mưa chiều hiu hắt
Buồn lắm Hồ Nam ơi!”
Vàng cũ thời gian trang nhật ký
Bâng khuâng y tá mắt trông người
Chưa vào chiến dịch – quân y vắng
Quê nhà Hà Nội dạ như khơi.

Một phút thoáng qua

Chưa gặp sao đành thương nhớ nhau?
 Đôi phen số mệnh cũng cơ cầu
Người đi mang nửa hồn đơn lẻ
Tôi về hoài vọng một đôi câu
Khói thuốc chiều sông hỡi dáng người!
Phương nào đôi mắt ngó xa xôi
Nào ai biết được niềm u ẩn
Từng lắng nhiều trong những mảnh đời
Tôi viết chiều nay chiều tưởng vọng
Làm thơ mình lại tặng riêng mình
Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh
Thời đại bao lần khô nước mắt
Hoa đèn riêng gửi chút tâm tư
Ngắn dài đã học người thiên cổ
Vạn đại sầu lên chẳng bến bờ
Chiều ấy em về thương nhớ ai?
Tôi chắc đường đi đã rất dài
Tim tím chiều hôm lên bóng núi
Dọc đường mờ những cánh hoa phai
Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh
Màu tím chiều chầm chậm
Hoàng hôn nghe một mình
Giáo đường chuông rời rạc
Tan vỡ nhiều âm thanh
Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh.

Thơ Tặng Ông Lang

Gian khổ đường ta ta cứ đi
Vững tâm theo kháng chiến trường kỳ
Trắng trong nguyền giữ lòng cam thảo
Son sắt càng thơm dạ quế chi
Non nước đã vương tơ đỗ trọng
Giàu sang đâu hám chữ đương qui
Lênh đênh dầu mấy lênh đênh nữa
Tin tưởng ngày mai rộng lối đi.

Ðêm Việt Trì (Quang Dũng)

Em là con hát ở bên sông
Hát mãi từ khi em bỏ chồng
Chiều đến, em ngồi trên bến vắng
Gửi người bốn xứ mảnh tình không!
Em là con hát ở bên sông
Lạnh với trường giang kiếp má hồng
Chiều đến em bừng son phấn mộng
Rẻ người không tiếc mảnh hồn trong.
Em là con hát ở bên sông
Ðàn phách là đôi bạn khốn cùng
Khách ghé phương nao thây kiếp khách
Hoài đâu nước mắt khóc tình chung.
Em là con hát ở bên sông
Nước chảy ngàn xưa luống chảy ròng
Nước chảy không về nguồn quá khứ
Em buồn dĩ vãng, mắt khô trong.
Em là con hát ở bên sông
Ðừng nhớ thương em uổng tấc lòng
Em ở kiếp này là ở tạm
Tìm em kiếp khác Liễu Trai Nương.

Bắt Tép Kho Cà (Quang Dũng)

Sim mua tím đồi
Quanh quanh đường đó
Bắt tép kho cà
Bờ lau bụi cỏ
Vắng ngày trung du
Mờ mây Tam Đảo
Sẫm dáng Ba Vì
Đồi nhung loang nâu
Nương xa sém cháy
Róc rách suối len
Cuộn tròn trong vắt
Sắn nương thơm thơm
Cầu thang ai hát
Bậc thang ruộng gặt
Đá ong phơi vàng
Đồi thưa nhà váng
Giếng im
Bắt tép kho cà
Bắt tép kho cà
Nước mắt em buông lã chã
Long lanh nhớ giếng quê nhà.

Đôi Mắt Người Sơn Tây (Quang Dũng)

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy núi Ba Vì
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em như nước giếng thôn làng
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?…
Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng em bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ơi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?
Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Thương vườn ruộng khôn khuây
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?
Cố Quận (Quang Dũng)
Trăng sáng vẫn vờn đôi bóng cau
Ngồi đây mà gửi nhớ phương nào
Gió mát lung linh vầng Bắc Đẩu
Tiếng hè ếch nhái rộn bờ ao.
Ngồi đây năm năm miền ly hương
Quê người đôi gót mải tha phương
Có những chiều chiều trăng đỉnh núi
Nhà ai chày gạo giã đêm sương
Tịch mịch sầu vơi bèo râm ran
Côn trùng im ỉm lối trăng tàn
Người ơi quê cũ đèn hoe ngọn
Tóc bạc trông chừng cảnh héo hon
Ngõ trúc quanh quanh sầu bóng lá
Trăng vàng rơi rắc nẻo nào xưa
Ngõ cũ không mong người trở lại
Mà mùi hoa mộc vẫn thơm đưa
Đốt khói lên rồi hương viễn vông
Dòng xanh thoáng biến cảnh hư không
U hiển liễu trai về quá khứ
Chuối vườn rũ lá đóm bay vòng
Em ơi! Em ơi! Đêm dần vơi
Trông về phương ấy ngóng trông người
Trăng có soi qua vầng tóc bạc
Nẻo về cố quận nhớ thương ôi!
Trăng sáng năm năm mùa lại mùa
Hạ này vơi lại nhớ thu xưa
Người đi người đi đường quạnh quạnh
Ngày tháng thương vay kẻ đợi chờ.

Chabbi Chabbi (Quang Dũng)

Ngày đầu tiên hòa bình trở lại
Trên đường về quê hương
Tôi đã dừng chân
Bên một nghĩa địa dài
Nơi yên nghỉ
Cả một tiểu đoàn lính giặc
Mồ cao mả thấp ngổn ngang
Trắng loáng những cây chữ thập
Có cái đã xây
Thành nhà mồ vững chắc
Vẽ quốc kỳ nước Pháp
Và đôi dòng chữ tiếc thương
Những nghĩa địa này
Tôi đã gặp trên đường
Rải rác bên những boongke nham nhở
Những bốt đồn hình thù quái gở
Nhưng cả quan và lính
Đã không ở trong để mà cố thủ
Dắt nhau nằm hết ra đây
Trên bãi cỏ tìm bình yên bảo đảm
Mỗi người đều để lại tên mình
Như những câu sấm truyền định mệnh
Khắc vào mộ chí đôi dòng
Có cả ngày đi, chức tước, quê hương
Trời mưa thu, mới hôm qua
Ai đã thấy cái buồn nghĩa địa
Khi cỏ nằm trong nước ngập mồ hoang
Cái tiếng ễnh ương
Làm khúc nhạc lữ hành
Nhoi nhóp kêu trên bãi mộ
Lại thêm đầu cỏ may
Phất phơ rung trước gió
Có một nhành cúc dại
Cánh vàng gió lung lay
Trước tấm bia đen
Ghi mấy dòng chữ trắng
“Chabbi Chabbi
Trong tiểu đoàn Âu Phi
Đã hy sinh cho nước Pháp”
Chabbi Chabbi
Tên như một bài thơ rất đẹp
Bằng thứ tiếng nước nào
Chabbi đã nằm dưới mộ
Còn bao giờ về tới quê hương…
Chabbi Chabbi
Tuổi còn xanh, mắt còn tha thiết
Có phải quê ở bờ sông Nin
Hay là nơi trăng sáng
Trên bãi cát dài bóng cây “bao báp”
Trai gái nhảy bamboula
Theo nhịp trống gợi hồn sa mạc
Chabbi Chabbi
Có bao giờ qua biển
Để về với đất trời bên ấy
Hai mươi tuổi trẻ nằm đây
Lòng đất Việt Nam hiền hậu
Thôi những ai bên kia chân trời
Đừng dành góc nhà nhỏ thân yêu
Đừng mong bóng trang phục quân nhân
Hiện về quê cũ
Mang những tấm hình
Những thành phố viễn chinh
Về làm quà cho em nhỏ, họ hàng
Hỡi mẹ nghèo ơi!
Thôi cũng đừng mong
Món tiền lương của Chabbi dành dụm
Đổi bằng xương máu nằm đây
Cho đến bây giờ
Mỗi khi qua một vùng nghĩa địa
Quân thù gửi đất chúng ta
Tôi vẫn hình dung
Bóng dáng Chabbi
Lúc buông súng trả mình về cho đất
Mà không là đất quê anh
Chabbi có bao giờ hiểu nữa
Những người bạn thương anh
Dầu chỉ gặp tên người
Khắc trên mộ chí
Nằm trên đất nước của mình.

Chiêu Quân (Quang Dũng)

Tuyết lạnh che mờ trời Hán quốc
Tỳ bà lanh lảnh buốt cung thương
Tang tình năm ngón sầu dâng lệ
Chiêu Quân sang Hồ xừ hồ xang
Đây Nhạn Môn quan đường ải vắng
Trường Thành xa lắm Hán vương ơi!
Chiêu Quân che khép mền chiên bạch
Gió bấc trời Phiên thấm lạnh rồi
Ngó lại xanh xanh triều Hán đế
Từng hàng châu lệ thấm chiên nhung
Quân vương chắc cũng say và khóc
Ái khanh! Ái khanh! Lời nghẹn ngùng
Hồ xang hồ xang xừ hồ xang
Chiêu Quân nàng ơi lệ dâng hàng
Lã chã trời Phiên mưa tuyết xuống
Chiêu Quân sang Hồ, xừ hồ xang.

Mùa Xuân (Quang Dũng)

Chợt mưa phùn gió lạnh
Càng lạnh cành hoa mơ
Đất trắng ngàn cánh rụng
Tiếng quân hò thôn xa
Càng mưa phùn gió lạnh
Càng lạnh cành hoa mơ!
Càng yêu màu trấn thủ
Mờ bạc qua màu mưa
Ôi! Những bàn chân nhỏ
Từng đau đớn bao giờ!
Đường tản cư lầy lội
Run run leo cầu tre
Trời mưa giăng màu xám,
Màu thê lương lại về
Hoa mai dần nở trắng
Mùa xuân chẳng lỗi thề
Trời mưa giăng màu xám
Bởi vì đâu thê lương!
Chăn đơn chiếc khôn ấm
Già càng đau nhớ thương
Bao nhiêu vành khăn trắng
Đằng đẳng tin sa trường
Người sao hết đăm chiêu
Ngày xuân lần hứa hẹn
Cỏ hoa biết gì đâu
Mấy mùa xuân vắng lạnh
Mấy mùa đông tiêu điều
Càng mưa phùn gió lạnh
Càng lạnh cành hoa mai
Càng nhớ xa xôi lắm
Những con đường chạy dài
Từ biên giới xa xôi
Lau cao mờ đụt gió
Cỏ hoang mồ những ai
Lả tả trong mưa lạnh
Âm thầm qua viếng người
Quê hương chừng xa lắc
Thăm mồ… mấy cánh mai
Nay mai lại tiết xuân
Từ đầu rừng cuối biển
Qua trùng dương mấy lần
Chúng ta dù cách biệt
Cùng chung một mùa xuân
Cùng chung một thế kỷ
Cùng đau khổ vô ngần.

Nhớ (Quang Dũng)

Nhà tranh hốc hác
Cuối làng chơ vơ
Đường xa công tác
Người lính ghé nhờ
Mẹ già đầu tóc bạc phơ
Dăn deo nét khó
Người vào run sốt
Giữa trưa đòi đắp chăn
Mẹ già hối đun nước
(Nhà uống nước lã quen)
Lấy thêm chiếu đắp
Kiếm thêm mền
Mền nâu rách mướp
Cháu mồ côi – cháu gái
Mắt sáng trong đang tập đánh vần
Tuổi em mười bốn chớm mùa xuân
Muối vừng hương thơm ngậy
Cua đồng canh rau đay
Mâm cơm đến bữa
Kẻng vừa đánh
Cày cấy tập đoàn cũng ngừng tay
Chiều rồi ba-lô lại ra đi
Bâng khuâng hồn lính vấn vương gì
Nhớ mẹ già tiền cơm chẳng lấy
Nhớ em khó nghèo giữa vườn hoang dại
Nhớ bát muối vừng
Nồi cơm trộn sắn
Kẻng vừa đánh lên, cày tập đoàn cũng vãn.

Trên Đường Chiều Thứ Bảy (Quang Dũng)

Một chiều thứ bảy
Tôi ngồi bên bàn viết
Không viết nổi một dòng
Bên gác của tôi
Một thiếu nữ chưa chồng
Hay hát một câu hát cũ
“Người yêu say đắm hơn hoa mùa xuân”
Cô ta có người yêu hò hẹn
Những lúc chơi giăng đùa gió trở về
Tiếng guốc lên thang gác lanh chanh
Lại hát lại cười
Lại “người yêu say đắm”
***
Đường phố chiều nay thứ bảy
Niềm vui còn cả ngày mai
Tiếng guốc ròn trên đường nhựa
Những thiếu nữ hai mươi.
Những người thiếu nữ hai mươi
Hãnh diện thấy mình nhan sắc
Tấp nập trên đường
Đi trong tiếng nhạc
Đàn ca, sáo nhị tưng bừng.
Gió mát Hồ Gươm
Ánh cỏ như nhung
Giao hưởng tiếng đời
Va chen điệp khúc
Trăng Cổ Ngư, đường hoa thơm
Mùi dạ hương, gió hoàng lan rạo rực
Hoa bay tà áo tiếng cười.
Người đi về mấy ngả đường vui.
Cửa Nhà hát Nhân dân
Tưng bừng ánh điện
Chiều thứ bảy
Hoà bình đời đang cải thiện
Ca-vát thắt không còn ngượng nghịu
“Những bàn tay còn chai súng
Đã lâu chỉ quen
Đan lấy mũ rừng
nắm chuôi lựu đạn”
Dép lốp áo nâu đã thành kỷ niệm
Màu sơ mi trắng giàu sang
Phơi phới ánh đèn thứ bảy.
Tôi đã gặp em
Một chiều thứ bảy
Đi trong tay một bạn thanh xuân
Bốn bước nhịp nhàng tuổi trẻ
Em đi Nhà hát Nhân dân
Cùng người yêu xem văn công nước bạn
Cách đây mấy năm
Trên núi rừng biên giới uy nghiêm
Có một người
Giữ ảnh của em
Mái tóc và miệng cười như vậy
Miệng cười mái tóc của em
trong chiếc ảnh
Run run những dòng kỷ niệm
Hai người hẹn ước chờ nhau.
Tấm ảnh giữ gìn để trong xà cột
Cùng những bản đồ
và kế hoạch công đồn
Tấm ảnh nâng niu
Như người mẹ nâng con
Của tấm tình đầu mộng đẹp
Anh bạn cầm tấm ảnh
Soi sáng trăng rừng Việt Bắc
Nhớ góc phố chia tay ngày ấy
Lúc Hà Nội Tiến quân Ca vùng dậy
Như trong bài hát những người đi
– Tôi hành quân lên đường
Ngày tháng nhớ chia ly
Đuôi mắt vời trông nếp áo
Em còn nghe tiếng hát
Tiếng báng súng chạm vào ca sắt
Và cánh sao bay trong lá quốc kỳ
Hôm nay chiều thứ bảy
Của hai năm hoà bình lập lại
Tôi gặp em
Nhưng
Người bạn kia
Đã không còn gặp lại
Thân nằm trên một đỉnh Trường Sơn
Rừng núi chiều nay
Sương trắng mỏi mòn
Trăng lặn sau mồ chiến sĩ
Chiều thứ bảy tưng bừng ở đây
Ở nơi kia an nghỉ
Người đã cho tôi, cho em, cho Hà Nội
Ánh sáng niềm vui đáng sống hôm nay
Em không thể đợi hoài
Người không còn trở lại
Đợi làm sao
Người đã chết bây giờ
Người chết đã đi vào kỷ niệm
Đã xa vời
Như ánh sáng trăng sao
Như xa xôi
Một dòng suối ngọt ngào
Róc rách ru đời tiếng nước.
Người đã chết còn làm sao đi được
Trên đường vui ánh sáng hôm nay
Tôi nhìn qua khói thuốc xanh dài
Em thầm lặng đi trong tay bạn mới.
Tôi muốn nói
Lối nói của một nhà thơ xưa vĩ đại
“Hãy hăng hái tiến lên
Hai người trẻ tuổi cứ đi đi
Được lắm!
Và hãy sống làm sao cho xứng đáng
Với người đã hy sinh”
Đó cũng là ý giối giăng
Nằm trong mộng ước
Của những người con yêu ngã trước
Cho Đất Nước bây giờ
Tôi lại gặp
Nhiều người vợ trẻ
Đàn ông đã ngã trên chiến trường
Vất vả nuôi con những ngày kháng chiến
Xót xa thương khóc bao ngày
Chiều thứ bảy hôm nay
Họ đi bên người chồng mới lấy
Và những đứa con
Bước còn bỡ ngỡ
Bên người cha mới hôm qua
Ai biết được bây giờ
Tâm sự của những người
Ngậm ngùi cất kỹ ảnh chồng
Vào đáy hộp nữ trang
Đau khổ đi thêm một bước.
Những người cha đã một lần
Quên mình vì Nước
Hy sinh cho Nghĩa Lớn con người
Họ đã không thể nào
trở dậy
Đường đi dành lại cho ta
Chiều hôm nay thứ bảy
tôi đã gặp rất nhiều
và đã nghĩ
Như một người để chân bước lang thang
Khi muôn tiếng lên đường
Còi điện, phát thanh,
rạp hát trống tuồng nhộn rịp
Và áo màu bay
Phố đang làm đẹp
Cho xứng là Dân chủ Cộng hoà
Hà Nội nghìn năm ánh sáng của ta
Tôi lắng nghe tiếng giầy mình
Nện hè phố rộng
Những tiếng gót giày
tưởng như khua động
Xương người còn gửi quanh đây
Từ những ngày
Mười chín tháng mười hai
Đêm đầu kháng chiến
Gốc sấu, chân tường, ngay bên cột điện
Anh nằm xương trắng mười năm.
Người lính giữ đầu tiên
Hà Nội
Đường cứ dài
Tôi vẫn nghĩ đăm đăm
Sao chính mình vẫn còn trở lại
Những lứa tuổi thanh niên thời đại
Cùng nhau sinh tử ra vào
Sao chính mình còn thấy trăng sao
trên Hồ Tây
uống cốc rượu
ngay bên Hồ Hoàn Kiếm
Ngó tờ áp-phích xi-nê xanh đỏ
Dán trên tường, hay ngắm
những đôi vợ chồng
Đi trong bóng cây che ánh điện
Chính là những bước tường
và chính những thân cây
Người quyết tử quân đã nấp
Những đêm tháng chạp đầu tiên
Hà Nội vào cơn thử lửa.
Cho đến bây giờ
Họ không còn nữa
Bao bạn hữu đã nằm
Tên đã thành bia
trên mồ kỷ niệm
Sử vàng ghi bảng đẹp gia đình.
Cô thiếu nữ xinh xinh
Vừa đi rạp hát
Bắt chước cải lương
Hát giữa cầu thang
Một câu vọng cổ
Bên kia cửa sổ
Cô gái chưa chồng
Vừa tiễn người yêu
Lại lên giọng hát
“Người yêu say đắm hơn hoa mùa xuân”
Cũng như đã bao lần
Tiếng hát làm cho tôi rạo rực
Bâng khuâng thấy nhiều ước mộng
Và thấy đẹp làm sao
Cuộc đời lớn rộng
Cuộc đời
Đã bao người hy sinh cả vợ
Cả con, cả tình yêu, cả tuổi xanh mình
Mới có bây giờ
Trao lại cho ta
Cuộc đời có những chiều thứ bảy
Đường phố bừng lên Ánh sáng
Lời ca
Bước chân rộn rịp
Cuộc đời, dầu là ở nơi cầu thang nhỏ hẹp
Cũng có người vừa tiễn người yêu…

Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Quang Dũng

Đôi nét về tiểu sử nhà thơ Quang Dũng
Quang Dũng tên thật Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội).
Trước cách mạng tháng Tám, ông học Ban trung học trường Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp, ông đi dạy học tư ở Sơn Tây.
Ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trở thành phóng viên tiền phương của báo Chiến đấu.
Năm 1947, ông được điều đi học Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khoá học, ông làm Đại đội trưởng ở tiểu đoàn 212, Trung đoàn 52 Tây Tiến. Ông tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai, mở đường qua đất Tây Bắc. Trong thời gian này, ông còn được cử làm Phó đoàn tuyên truyền Lào – Việt.
Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, ông làm Trưởng tiểu ban tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III.
Ông đã viết rất nhiều truyện ngắn xuất bản và viết kịch, cũng như đã triển lãm tranh sơn dầu cùng với các họa sĩ nổi danh. Ông sáng tác nhạc, bài Ba Vì của ông đã nổi tiếng ở trong khu kháng chiến. Ông làm bài thơ Tây Tiến năm 1948 khi dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III tại làng Phù Lưu Chanh (Hà Đông).
Tháng 8 năm 1951, ông xuất ngũ.
Sau 1954, ông làm Biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển về làm việc tại Nhà xuất bản Văn học. Ông phải đi chỉnh huấn sau vụ tờ báo Nhân Văn – Giai Phẩm. Bài thơ “Tây Tiến” của ông được nhiều người yêu thích, được xuất bản và phổ biến rộng rãi và được nhiều người yêu thích ngay cả ở miền nam thời đó. Tuy nổi tiếng nhưng ông thích sống đạm bạc, không thích khoe khoang tên tuổi với ai. Khi nhận được những lời mời biếu tiền để sáng tác thơ của giới nhà giàu, ông từ chối và nói “Văn chương chữ nghĩa rẻ rúng đến thế ư?”.
Về sau này, như những nhà thơ lớn khác, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh,… ông không sáng tác thêm được nhiều tác phẩm nổi bật và mất đi trong âm thầm. Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1988 sau một thời gian dài bị bệnh tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.
Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Đánh giá vè nhà thơ Quang Dũng

Ông là người tài hoa, vẽ tài, hát giỏi, thơ hay. Bài thơ Tây Tiến của ông mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông. Một số bài thơ của ông đã được phổ nhạc như Tây Tiến (Phạm Duy phổ nhạc), Đôi mắt người Sơn Tây (Phạm Đình Chương phổ từ hai bài thơ Đôi bờ và Đôi mắt người Sơn Tây), Kẻ ở (Cung Tiến phổ nhạc). Đặc biệt bài thơ Không đề được 4 nhạc sĩ phổ nhạc khác nhau (Việt Dũng (với tựa đề “Có những cuộc tình không là trăm năm”), Phạm Trọng Cầu (tựa đề “Em mãi là 20 tuổi”), Khúc Dương (“Em mãi là 20 tuổi”), Quang Vĩnh).
Tác phẩm tiêu biểu là các tập thơ Bài Thơ Sông Hồng (1956), Rừng Biển Quê Hương (1957), Mây Đầu Ô (1986); truyện ngắn Mùa Hoa Gạo (1950); hồi ký Làng Đồi Đánh Giặc (1976)…
Hiện nay tại trường Tiểu học Thị trấn Phùng (cấp 3 Đan Phượng cũ – quê ông) có đặt một bức tượng Quang Dũng trong trang phục người lính Tây Tiến.

Các bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng

Bài thơ Bố Hạ qua bút tích nhà thơ
Tây Tiến
Đôi mắt người Sơn Tây
Đôi bờ
Quán bên đường
Lính râu ria
Tác phẩm đã xuất bản
Mùa hoa gạo (1950), tập truyện ngắn
Bài thơ sông Hồng (1956), truyện thơ
Rừng biển quê hương (1958), tập thơ in chung cùng với Trần Lê Văn
Đường lên châu Thuận (1964), tập bút ký
Rừng về xuôi (1964), tập bút ký
Nhà đồi (1970), truyện ký
Làng Đồi đánh giặc (1976), hồi ký
Mây đầu ô (1986), tập thơ
Quang Dũng – Tác phẩm chọn lọc (1988)
Đoàn binh Tây Tiến (2019), di cảo – hồi kí

Giải thưởng

Năm 2001, Quang Dũng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Hiện nay tại trường tiểu học thị trấn Phùng (trường cấp 3 Đan Phượng cũ –quê của ông) có đặt một bức tượng Quang Dũng trong trang phục người lính Tây Tiến.
Trên đây là những thông tin liên quan đến nhà thơ Quang Dũng do dean2020.edu.vn đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hơn về nhà thơ Quang Dũng bạn nhé!

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *