Những năm gần đây, nền nghệ thuật Việt Nam xuất hiện thêm một loại hình nghệ thuật mới thiên về hướng hội họa đó là tranh cát nghệ thuật. Tranh cát có hai loại, nhưng loại mà tác giả bài viết này đề cập tới không phải là loại tranh cát thường được các nghệ nhân biểu diễn hòa cùng âm nhạc trên sân khấu mà đó là loại tranh cát được thành hình cố định sau một lớp thủy tinh.
Lịch sử hình thành tranh cát tại Việt Nam
Khác với loại tranh cát treo tường nổi trên gỗ, trên giấy, trên thủy tinh khác, loại tranh cát để bàn này thường được người làm tỉ mẩn đổ vào ly, lọ, hoặc các khung thủy tinh với nhiều màu sắc bắt mắt tạo nên những bức tranh vô cùng đa dạng. Nhờ vậy mà thời gian gần đây, tranh cát trở thành một trong những món quà được nhiều người ưa chuộng do tính chất độc lạ và ý nghĩa của nó. Vậy loại tranh cát này bắt đầu từ đâu? Lịch sử tranh cát hình thành như thế nào? Ai đã là người khởi xướng?
Làng nghề tranh cát có thực sự tồn tại
Cũng như nghề dệt, nghề nhuộm và hàng nghìn ngành nghề khác, mỗi ngành nghề đều có người đầu tiên khởi tạo. Và người đầu tiên mang loại hình tranh cát giới thiệu với công chúng là một người phụ nữ sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong một lần tình cờ về thăm quê chồng tại Mũi Né – Phan Thiết, nơi có những bãi biển dài với cát rất sạch và màu rất đẹp, chị nảy ra ý định mang cát về nhà cho vào bình cắm hoa. Khi đổ cát vào lọ thủy tinh, những vệt cát lấy từ những nơi khác nhau phân thành những tầng khác nhau rất đẹp mắt. Từ đó chị bắt đầu có những ý tưởng sáng tạo từ bình cát thủy tinh của mình.
Ban đầu là bình hai màu, rồi ba màu từ cát tự nhiên. Sau đó chị nhận ra cát trắng có thể nhuộm thành màu khác chị lại nhuộm tạo ra bảy màu, mười lăm màu, rồi đến ba mươi màu. Ngần ấy màu đã đủ để tạo nên những bức tranh sinh động từ cát. Cơ duyên làm tranh cát đến với chị thật bất ngờ, chỉ từ những màu cát và ly, lọ, khung thủy tinh mà chị đã thổi hồn vào cát tạo ra những bức tranh dù ban đầu không có chủ ý, cũng như chưa từng học qua một trường lớp nghệ thuật hội họa nào. Mặc dù vậy, với sự kiên trì, tỉ mỉ, và đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ, với chiếc muỗng cà phê và những vật dụng cần thiết ngay trong nhà, chị tạo nên nhiều bức tranh sống động và lãng mạn. Những bức tranh hoàn toàn được tạo ra từ cát thiên nhiên và điểm đặc biệt là không hề có chất kết dính nào những vẫn giữ được hình dạng vẹn toàn qua thời gian rất dài.
Ý nghĩa của việc hình thành bộ môn tranh cát nghệ thuật
Có thể nói, tranh cát Việt Nam đã mang tới một làn gió mới đối với nền nghệ thuật Việt Nam bởi cách làm hết sức sáng tạo và tận dụng được nguồn tài nguyên có sẳn của một đất nước với đường bờ biển dài 3260km, trong đó rất nhiều bãi cát, sạch, đẹp và mịn. Vật dụng vẽ tranh vô cùng gần gũi nhưng cách tạo nên bức tranh hết sức lạ lẫm, điều này đã tạo nên hứng thú với nhiều người yêu thích hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung. Tuy nhiên, muốn hoàn thành một tác phẩm tranh cát đẹp, người nghệ nhân phải hết sức tỉ mỉ, cẩn thận và kiên nhẫn để thổi hồn vào từng bức tranh vốn rất vô tri. Chính vì những lý do đó cùng với sự độc đáo, mới lạ có một không hai của tác phẩm, mà hiện nay tranh cát được đánh giá là một trong những món quà mang giá trị nghệ thuật cũng như ý nghĩa cao được đông đảo mọi người đón nhận.
Hướng dẫn cách làm tranh cát tĩnh
1. Chuẩn bị làm tranh cát:
- Cát màu tự nhiên (có thể lấy tại Phan Thiết hoặc bờ biển miền Trung Nam Bộ).
- Một số màu cát không có trong tự nhiên có thể pha trộn hoặc nhuộm bằng loại màu đặc biệt.
- Một cái ray mặt nhỏ để ray sàng cát thật đều, nhuyễn, sạch, không lẫn tạp chất.
- Một muỗng cà phê nhỏ.
- Một cây que vót nhọn đầu.
- Ly thủy tinh hoặc khung kiếng trong suốt, không có hoa văn chìm.
2. Cách làm tranh cát tĩnh:
- Chọn tranh cát mẫu theo yêu cầu hoặc chuẩn bị sẳn, phù hợp với khung theo kích thước (khá quan trọng)
- Phác họa tranh mẫu lên khung kiếng hoặc ly thủy tinh để tạo tỷ lệ và đường nét cơ bản (nên dùng loại viết lông đầu nhỏ, có thể xóa được).
- Một tay cầm ly hơi nghiêng khoảng 30 độ, hoặc ở khung kiếng thì nên để trên mặt phẳng có thể xoay được, một tay cầm muỗng nhỏ múc cát đưa sát miệng ly và nhẹ nhàng đổ cát từ từ vào ly theo từng lớp.
- Dùng cây que nhẹ nhàng đẩy cát qua lại tạo đường nét và màu sắc theo ý muốn. Vừa đổ, vừa phối màu cát cho hài hoà.
- Cứ thế các lớp cát được nén chặt lên nhau và giữ cố định trong ly/ khung không cần dùng keo kết dính.
- Khi cát đã thành hình, dùng muỗng nén nhẹ ở giữa ly/khung để các lớp cát bám chặt vào nhau.
- Đổ thêm 1 lớp cát vào giữa ly/khung để giữ độ chặt cho cát, không cho lớp ngoài xê dịch.
- Tiếp tục đổ những lớp cát còn lại theo cách tương tự cho đến khi đầy ly/ khung
Làm tranh cát với những thao tác nhẹ nhàng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì của người nghệ nhân. Riêng tranh cát chân dung đòi hỏi độ chính xác cao, phải đầu tư nhiều công sức, từ việc chọn màu cát phù hợp đến việc diễn đạt được thần sắc của nhân vật. Mỗi tranh cát chân dung người nghệ nhân phải thật chính xác trong từng milimet phối màu, độ sáng tối… và phải thổi hồn vào tranh cát sao cho thật sinh động, có thần khí. Vì thế làm tranh cát chân dung mất rất nhiều thời gian. Có chân dung phải làm một tuần hay một tháng là điều hết sức bình thường, vì chỉ sai một chi tiết hoặc thiếu một đặc điểm nhận dạng là bức chân dung sẽ mất đi nhiều giá trị.
Bằng niềm đam mê, những người nghệ nhân Việt đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo để đưa tranh cát lên tầm cao mới. Tranh cát hiện không còn là một sản phẩm thủ công đơn thuần dùng để trang trí mà đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Tranh cát Việt cũng được đánh giá cao bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc này cần được gìn giữ và phát huy để trở thành một điểm nhấn đặc trưng của văn hóa Việt.
Tìm hiểu về thể loại tranh cát nghệ thuật
Có thể nói trong mắt nhiều người tranh cát được biết đến là một loại hình nghệ thuật mới lạ và chỉ vừa “chớm nở” trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, bởi sự độc đáo và sức hút khó cưỡng đến từ môn nghệ thuật này, nhiều người đã tìm hiểu và khám phá khiến nó trở nên phát triển và lan rộng nhanh chóng. Dưới đây là thông tin về những thể loại của hình thức nghệ thuật này để các bạn hiểu rõ hơn nếu đang có hứng thú tìm hiểu về tranh cát.
Các thể loại tranh cát phổ biến trên thị trường Việt Nam hiện nay được chia làm 4 kiểu. Đó chính là tranh cát phong cảnh, hoạt cảnh con người trong lao động, chân dung và tranh cát thư pháp.
- Tranh cát phong cảnh thường miêu tả các cảnh đẹp thiên nhiên trên mọi miền thế giới. Nghệ nhân dùng hạt cát khéo léo và uyển chuyển để vẽ nên những bức tranh cát tuyệt đỉnh đầy sống trộng. Đó có thể là một vịnh Hạ Long thu nhỏ, động Phong Nha kỳ vỹ hay đưa người xem chu du đến Tháp Eiffel nơi đất Pháp xa xôi. Đó cũng có thể là cảnh cánh đồng Việt Nam thẳng cánh cò bay đầy dung dị. Đối với tranh cát không có gì là không thể tái hiện được.
- Thể loại tranh cát thứ hai chính là hoạt cảnh con người trong lao động. Đúng như tên gọi, thể loại này miêu tả chủ yếu đến dáng vẻ con người hăng say làm việc, cống hiến cho đời. Cảnh các bác nông dân đang cày bừa ruộng lúa, cảnh các anh chiến sỹ canh gác ngoài biển đảo hay cả cảnh công nhân làm việc trong nhà máy đều được tái hiện tài tình bằng những bức tranh cát tuyệt đỉnh. Chỉ với một bức tranh tĩnh thôi bằng những hạt cát vô tri, người nghệ nhân thổi hồn vào đó những hoạt cảnh sống động như thật. Có lẽ điều thú vị của tranh cát hấp dẫn người xem cũng bởi vì đó.
- Tranh cát chân dung là một trong những thể loại khó nhằn của bộ môn nghệ thuật này. Chỉ với những hạt cát bé xinh, người nghệ nhân bằng tài hoa của mình phải biến những đường nét mắt, mũi, môi, những nếp nhăn, cái nhếch mép cười trở nên có hồn. Nhiều người lựa chọn các bậc cha mẹ trở thành đối tượng vẽ chân dung, tạo nên những bức tranh cát tình cha, bức tranh cát tình mẹ, như một món quà tri ân đấng sinh thành. Hay bức tranh cát tình yêu khắc họa lại khuôn mặt “một nửa”của mình cũng là một gợi ý không tồi vun đắp tình yêu của bạn.
- Thể loại cuối cùng trong nghệ thuật vẽ tranh cát đó chính là thư pháp. Nghệ nhân dùng cát để vẽ lại những bức thư pháp có sẵn hay tạo nên một bức mới của riêng mình. Đây là sự giao thoa giữa hai bộ môn nghệ thuật, đòi hỏi nghệ nhân phải chú ý đến từng nét bút, bởi trong thư pháp nét bút cũng chính là cái hồn của người viết.
Dù là thể loại nào, tranh cát đều mang đến những điều thú vị, độc đáo mà không phải bộ môn nghệ thuật nào cũng có. Hãy thử tìm hiểu thêm bộ môn này để khám phá những điều mới mẻ, hay ho nhé!
5 lý do nên chọn tranh cát
Tặng quà cho người khác nhân dịp lễ, tết, ngày kĩ niệm, sự kiện trọng đại hay đơn giản không nhân dịp nào nhưng vẫn muốn tặng quà đều làm chúng ta mệt mỏi với câu hỏi mình sẽ chọn quà gì để tặng? Tặng quà gì để thật ý nghĩa và thể hiện được tấm lòng của mình?
Mua quà tặng nghệ thuật từ tranh cát
Nếu đã quá chán với những món quà mà khắp các cửa hàng lưu niệm đâu đâu cũng có, nếu muốn tìm đến một sự khác biệt và ấn tượng, nếu đang phải đau đầu chọn lựa một món quà phù hợp, sao bạn không thử tặng tranh cát? Tại sao lại là tranh cát ư? Bạn thử ngó qua những lý do dưới đây mà Tranh cát Việt đưa ra nhé.
Tặng bất cứ dịp gì cũng được.
Là một tác phẩm thiên về hướng hội họa, tranh cát cũng mang tính chất của các bức tranh thông thường. Bạn có thể mang tranh cát tặng vào dịp lễ, tết, ngày kĩ niệm quan trọng, hay sự kiện công ty đều được. Chỉ cần lưu ý một chút để mình tinh tế hơn. Ví dụ, nếu tặng nhân ngày lễ tết, có thể tặng tranh vẽ cát đào, mai, tứ quí,… Nhân ngày khai trương, có thể tặng tranh cát tài lộc, thịnh vượng, thần tài… Nhân ngày tân gia, có thể tặng tranh cát khổ lớn về khung cảnh làng quê yên bình để căn nhà thêm điểm nhấn… Nhân ngày thành lập công ty có thể tặng tranh cát vẽ lại hình ảnh logo công ty, hay ngày tháng thành lập… Nhân ngày kĩ niệm kết hôn hoặc yêu nhau có thể tặng tranh cát chân dung của hai người… Chỉ cần dựa theo nội dung tác phẩm tranh cát thể hiện, bạn vẫn có thể khiến cho người nhận thấy đó là một món quà không chỉ phù hợp mà còn hết sức ấn tượng và độc đáo.
Tặng tranh cát cho cá nhân hay tổ chức đều được
Thú bông thì không thể tặng cho công ty, hình vẽ logo thì tặng cho một cá nhân lại không phù hợp. Hoa có vẻ là dễ chọn để tặng cho ai cũng được, nhưng khó mà giữ lâu. Vậy thì tặng tranh cát là quá nên rồi. Chỉ cần một bình thủy tinh cát nhiều màu, một chiếc cốc đầy cát, hay một dấu mốc, hình ảnh đáng nhớ nào đó do những hạt cát được sắp xếp có chủ ý, thể hiện đằng sau lớp thủy tinh thì đều có thể phù hợp dành tặng cho cá nhân hay đơn vị tập thể.
Không phân biệt giới tính, tuổi tác
Rất nhiều món quà lưu niệm phân biệt tuổi tác và giới tính nhé. Nếu ngồi liệt kê, chúng ta có thể kể thiên thu bất tận về những món quà có thể tặng cho con trai mà không tặng được cho con gái, có thể tặng được cho người trẻ mà không thể tặng được cho người lớn tuổi. Nhưng tranh cát là có thể tặng được cho tất cả mọi người. Một bức tranh thông thường đã làm tốt việc không phân biệt giới tính, tuổi tác rồi, nên bạn chỉ cần chú ý đến sở thích của người nhận là họ thích khung cảnh gì để vẽ lên tranh cát là được, tranh thường vẽ bằng màu, tranh này được vẽ bằng cát, vừa hay vừa độc đáo. Tranh cát Việt gợi ý nhé, chỉ cần đơn giản một bức chân dung của người nhận thôi thì ai cũng thích cả rồi.
Cực kỳ ấn tượng với tranh cát
Tranh cát được hầu hết những người trong nghề, những chuyên gia trong nước và quốc tế, và cả những người không chuyên đánh giá là một trường phái hội họa cực kỳ ấn tượng. Không ấn tượng sao được khi từ những hạt cát vô tri vô giác, với sự sắp xếp tài tình của các nghệ nhân, những hạt cát đã thể hiện nên một bức tranh vô cùng tinh tế.
Cuối cùng, một bức tranh tỉ mỉ như thế là quá đủ để thể hiện tấm lòng của mình rồi.
Để làm ra một tác phẩm tranh cát, người nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn. Người làm tranh cát cũng phải là người có đủ kiên nhẫn rải và tạo nên đường nét từ những hạt cát bé xíu, sắp xếp mảng màu sao cho phù hợp, làm việc cần mẩn trong trạng thái mắt phải quan sát cẩn thận, tay hết sức tỉ mỉ và quan trọng nhất là phải thổi hồn được vào tác phẩm để người xem cảm nhận được hết vẻ đẹp của bức tranh. Những tác phẩm tranh cát không thể được thể hiện bằng máy móc công nghiệp mà chỉ có thể bỏ thời gian, công sức, bàn tay, khối óc ra mới tái hiện lại được những hình ảnh xinh đẹp đằng sau lớp thủy tinh. Nhờ đó mà quà tặng bằng tranh cát có ý nghĩa lớn và giá trị thẩm mỹ cao. Thông thường, những người quyết định tặng tranh cát cho một ai đó đều là vì rất quí mến người nhận. Thế nên, nếu bạn được tặng một bức tranh cát, bạn hãy vui đi nhé vì rõ ràng người tặng rất coi trọng bạn.
Hướng dẫn nhuộm màu cát để tô tranh cát
Trước khi học cách làm tranh tô cát, để tạo nên một tác phẩm phong cảnh, hoa, lá, đồng quê,… bạn cần phải có nguyên liệu là rất nhiều cát có màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, bạn lại ngại chi phí cao khi mua ngoài cửa hàng, hoặc muốn tranh của mình phải tự tay hoàn thiện từ đầu đến cuối, thì có thể tham khảo các cách dưới đây để có màu cát như ý. Nhuộm cát không hề khó mà còn rất dễ dàng, đơn giản và nhanh chóng.
Để nhuộm cát bằng thuốc nhuộm, bạn cần chuẩn bị nguyên liệu gồm: thuốc nhuộm, cát, nước, băng keo, túi nhựa, thìa, đĩa, thùng, chậu đựng cát.
Cách tiến hành nhuộm màu cát để tô tranh cát:
- Bạn có thể mua cát từ cửa hàng, hoặc tự lấy cát ở biển, nhưng phải chú ý cát phải mịn màng, ít sạn. Sau đó, nhặt sỏi, cặn to ra khỏi cát, và dùng đồ rây cát nhiều lần cho cát mịn nhất có thể. Như thế sau khi bạn thực hành cách tô tranh cát, bề mặt tranh sẽ mịn, bằng phẳng và đẹp hơn.
- Tiếp tục, bạn chia cát thành nhiều phần đổ vào trong túi nhựa, mỗi túi chính là một màu cát. Sau đó, bạn đổ một ít nước vào túi nhựa đựng cát, làm cho cát ẩm để giúp thuốc nhuộm thẩm thấu nhanh hơn, tránh đổ nhiều quá cát sẽ bị ngập nước. Bước tiếp theo chính là bước quan trọng nhất. Đổ thuốc nhuộm vào túi nhựa, cột lại thật chặt rồi bóp đều để cát ngấm thuốc nhuộm nhiều nhất. Lưu ý là sau khi khô, cát sẽ nhạt màu hơn màu bạn đã nhuộm. Vậy nên cát phải được đậm màu so với màu mong muốn, để lúc cát khô sẽ cho màu chuẩn.Bạn cũng cần dùng găng tay khi tiếp xúc với thuốc nhuộm bởi chúng không tốt cho da. Nếu làm tốt công đoạn này, coi như bạn đã bước đầu nắm chắc việc tạo nên bức tranh cát cơ bản của riêng mình mà không cần mua tranh cát tại bất cứ cửa hàng nào.
- Tiếp đó, chờ trong một giờ để thuốc nhuộm ngấm vào cát. Nếu trong túi cát động lại nhiều nước, hãy đổ nước ra hết, rồi trải cát ẩm ra phơi vài tiếng đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời. Hoặc nếu không có thời gian, bạn có thể cho vào lò nướng 90°C trong 15 phút để cát nhanh khô hơn. Không nên hong cát quá khô bởi chúng dễ bị phai màu không đúng màu gốc bạn mong muốn.
- Khi cát đã khô, bạn cho cát vào hộp hoặc túi nhựa khô có thể đóng kín được. Dùng cát xong cát nhớ đóng kĩ hộp bởi chúng tiếp xúc với không khí rất dễ bị phai màu.
- Bạn có thể sử dụng thuốc nhuộm vãi để màu đẹp và ưng ý nhất ngoài ra còn có màu thực phẩm, bột màu Tempera, hay sơn. Đối với sơn bạn phải pha với xăng thơm tỉ lệ theo màu mình muốn. Sau đó cho cát vào và rắc từ từ cho đến khi bạn thấy cát ngập sơn là được. Tiếp bạn mang ra hong khô rồi bảo quản như nhuộm với thuốc nhuộm ở trên. Cách này cũng giúp cát mau khô lại ra màu khá đẹp và tươi, giúp bạn tạo nên bức tranh như mong muốn mà không cần mua tranh cát ở bất cứ đâu. Hoặc bạn có thể trộn cát cùng đất màu theo tỉ lệ 2 cát – ½ đất màu mịn để tạo ra màu cát. Cách này tuy đơn giản nhưng lại không được đều màu.
Trên đây là những cách khá đơn giản để tạo ra màu cát như ý muốn. Chúc bạn thành công và học được cách làm tranh tô cát tuyệt đẹp của riêng mình.
Bảo quản tranh cát
- Luôn để tranh cát theo phương thẳng đứng (Khi nhìn ngắm có thể nghiêng tác phẩm nhưng không quá 30 độ).
- Không lắc mạnh tranh cát.
- Không tháo bỏ lớp nylông trên miệng bình tranh cát.