Tác phẩm “Hầu trời” in trong tập thơ “Còn chơi”, xuất bản năm 1921. Qua bài thơ tác giả dã thể hiện cái tôi cá nhân ngông ngạo, phóng túng, tự ý thức về tài năng, giá trị đích thực của mình và khao khát được khát vọng được khẳng định giữa cuộc đời. Mời các bạn tham khảo một số bài văn phân tích tác phẩm Hầu Trời – Tản Đà đã được chúng tôi tổng hợp lại trong bài viết dưới đây để thấy rõ hơn nội dung này.
Phân tích bài thơ Hầu trời – Mẫu 1
Mỗi khi giới văn học nhắc đến người “nằm vắt ngang mình giữa hai thế kỷ” người ta sẽ nghĩ ngay đến Tản Đà. Không chỉ vậy ông còn được mệnh danh là cầu nối văn học giữa nền văn học trung đại và hiện đại, là người đặt nền móng cho Thơ mới. Thơ Tản Đà là thơ của cái tôi bay bổng, lãng mạn, của cái tôi yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước. “Hầu trời” là một trong số những bài thơ thể hiện rất rõ cái tôi của ông.
Bài thơ được in trong tập “Còn chơi” và được xuất bản vào năm 1921. Bài thơ là câu chuyện “hầu trời” của một thi sĩ với lối kể chuyện tự nhiên, giọng điệu say đắm, kết hợp khéo léo giữa cảm hứng lãng mạn và hiện thực. “Hầu trời” tựa như một câu chuyện tự sự với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật kể chuyện. Vì thế mà ta có thể dễ dàng tóm tắt bài thơ theo trình tự thời gian: mở đầu là lúc nhân vật giải thích lí do tại sao mình được lên trời đọc thơ đến khung cảnh khi đọc thơ và thái độ của trời, rồi kết thúc là cuộc chia tay đầy lưu luyến.
Ngay những câu đầu bài thơ Tản Đà để lại một ấn tượng vô cùng đậm nét với cách dẫn dắt độc đáo của mình:
“Đêm qua chẳng biết có hay không
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể
Thật được lên tiên – sướng lạ lùng”
Vốn dĩ câu chuyện này là hoang đường nhưng với cách kể của mình, tác giả đã khiến người ta phải tin đó là thật, thật một cách tự nhiên không hề gượng gạo. Rõ ràng câu thơ mở đầu là một câu hỏi, chính tác giả cũng đang không rõ thực hư trong câu chuyện này nhưng ba câu thơ tiếp với việc lặp lại ba lần chữ “thật” như một lời khẳng định với bạn đọc về sự thật này. Sau khi khẳng định sự thật về việc được lên trời, Tản Đà bắt đầu những vần thơ để lý giải lý do của nó. Câu chuyện bắt đầu từ một đêm khuya vắng, nhà thơ ngồi dậy đun nước rồi ngâm nga những câu thơ “vang cả ngân hà” khiến ông Trời “mất ngủ”. Câu chuyện có vẻ khó tin nhưng bằng cách kể hóm hỉnh, Tản Đà đã khiến người đọc càng them tò mò về những gì diễn ra sau đó.
Tiếp đó, nhà thơ bắt đầu kể diễn biến của buổi “hầu trời” một cách rất tự nhiên. Đầu tiên, tuân lệnh của Trời, thi sĩ đã đọc thơ của mình cho Trời và các chư tiên nghe:
“Truyền cho văn sĩ đọc văn nghe
Dạ bẩm lạy Trời con xin đọc”.
Đối với một thi sĩ, thơ ca không chỉ là sự yêu thích mà hơn cả thế nó là đam mê. Thơ ca khiến thi sĩ trở nên thăng hoa trong cảm xúc và hứng thú đến lạ thường:
“Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lí lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơn”.
Đối với niềm hăng say này của thi sĩ, thái độ của người nghe cũng vô cùng chăm chú, tập trung thậm chí là tán thưởng, biểu dương: “Hằng Nga, Chức nữ chau đôi mày”; “Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng”… Các chư tiên còn vô cùng phấn khích, đón nhận khi thi sĩ kể về các tập thơ của mình: “Anh gánh lên đây bán chợ trời”.
Trong thơ ca, cái tôi là một vấn đề rất hay được mọi người chú ý đến. Thơ ca phải có cái tôi thì mới làm nên vẻ ấn tượng. Và ở những câu thơ tiếp theo, Tản Đà đã thể hiện rất rõ cái tôi của mình:
“Trời lại phê cho: “văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít
Nhời văn chau chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!”
Bằng việc mượn lời Trời tác giả đã khéo léo ca ngợi văn thơ của mình. Và người ta gọi đây là một hiện tượng chưa từng có trong văn chương. Điều này không chỉ chứng tỏ thi sĩ rất tự tin vào tài năng của mình mà còn muốn tự khẳng định tài năng, nét tài hoa ấy. Khi đặt những câu chữ của mình sánh ngang với vẻ đẹp của thiên nhiên trời đất như sao băng, mây, gió, mưa, tuyết… Tản Đà đã thể hiện rất rõ sự kiêu hãnh về cái hay cái đẹp trong văn chương của mình.
Sau khi nói về tài năng văn chương của mình, Tản Đà hướng ngòi bút của mình kể về cuộc sống của tầng lớp văn nghệ sĩ thời ấy:
“- Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó
Trần gian thước đất cũng không có
…
Trời lại sai con việc nặng quá
Biết làm có được mà dám theo”
Bằng những nét vẽ tả thực, đoạn thơ đã phản ánh một cách chân thực cuộc sống khốn cùng của văn nghệ sĩ cũng như sự hỗn loạn của văn chương lúc bấy giờ. Trái ngược hoàn toàn với những cảm xúc hưng phấn lúc trước, đoạn thơ này mang một giọng ngậm ngùi, chua xót đến đáng thương. Vốn dĩ câu chuyện hầu trời là một câu chuyện hư cấu và dường như nhà thơ đang tự an ủi chính mình, đang hy vọng về một điều gì đó tốt đẹp hơn cho thế hệ của mình:
“Rằng: Con không nói Trời đã biết
Trời dẫu ngồi cao, Trời thấu hết
Thôi con cứ về mà làm ăn
Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết”
Sau lời dặn dò của Trơi, cuộc chia tay giữa thi sĩ và các chư tiên diễn ra trong xúc động:
“Hai hàng lụy biệt giọt sương rơi
Trông xuống trần gian vạn dặm khơi
Thiên tiên ở lại, trích tiên xuống
Theo đường không khí về trần ai”
Những gì đã diễn ra đẹp đến mức, khi thi sĩ bừng tỉnh, nhận ra đó chỉ là một giấc mộng, nhà thơ đã không khỏi tiếc nuối:
“Một năm ba trăm sáu mươi đêm
Sao được mỗi đếm lên hầu Trời”.
Những câu thơ đã khép lại bài thơ, khép lại một câu chuyện nhưng dư âm mà nó để lại thì vẫn còn đó. Dù chỉ là tưởng tượng nhưng lối viết tự nhiên, cách xây dựng câu chuyện có đầy đủ cốt truyện, nhân vật… đã đem đến sự gần gũi, mới lạ cho người đọc.
Người ta nói, “Hầu trời” không chỉ là một câu chuyện hóm hỉnh, vui tươi mà còn gửi gắm những triết lý về cái tôi thơ ca đến cho những nhà văn Việt Nam. Với tác phẩm này, Tản Đà đã thực sự mang đến một làn gió mới cho thơ ca, xứng đáng với danh hiệu người đặt nền móng cho phong trào Thơ mới.
Phân tích bài thơ Hầu trời – Mẫu 2
Tản Đà dấu gạch nối, bản lề khép mở giữa hai giai đoạn văn học Việt Nam. Ông để lại sự nghiệp sáng tác đồ sộ, phong phú trên nhiều thể loại. Tác phẩm của ông thể hiện cái tôi vừa lãng mạn, bay bổng vừa ngông nghênh. Chính những yếu tố đã tạo nên dấu ấn riêng biệt cho thơ văn Tản Đà. Hầu trời có thể coi là một trong những tác phẩm hay nhất, kết tinh giá trị nội dung, nghệ thuật của Tàn Đà.
Cách Tản Đà mở đầu tác phẩm của mình hết sức đặc biệt:
“Đêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên sướng lạ lùng.”
Câu thơ đầu tiên là nỗi băn khoăn hết sức chân thật, liệu đêm qua có là thực, hay chỉ là hư. Hỏi đấy rồi để câu thơ 2,3,4 ông đã tự trả lời cho chính những băn khoăn ấy: Tản Đà khẳng định giấc mơ đêm qua bằng cách phủ định liên tiếp, từ “thật” được lặp lại bốn lần: thật hồn, thật phách, thật thân thể, thật được lên tiên để nhấn mạnh những cung bậc cảm xúc mà đêm qua chính ông đã được trải nghiệm, đó là nỗi “sướng lạ lùng”. Đây chính là cách Tản Đà dìu dắt người đọc vào thế giới mộng tưởng, vào giấc mơ đêm qua của ông.
Trong đêm trăng thanh gió mát, giữa lúc canh ba yên ắng, tĩnh mịch, Tản Đà nằm buồn uống nước và ngâm văn thì bỗng thấy có hai cô tiên xuống đón ông lên trời. Chuyện dường như hoàn toàn hư cấu, khó lòng có thể tin được nhưng bằng cách giải thích dí dỏm, hài hước, Tản Đà đã khiến cho lí do đó trở nên chân thực, đồng thời còn khẳng định được tài năng của bản thân: “Trời nghe hạ giới ai ngân nga/ Tiếng ngân vang cả sông Ngân Hà/ Làm Trời mất ngủ, Trời đương mắng/ Có hay lên đọc, Trời nghe qua”.
Trước sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình của thiên giới, thi sĩ hăng say thể hiện bản thân:
“ Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lí lại văn chơi”
Và ông tự lên tiếng khẳng định, tự khen tài năng văn chương của bản thân “văn dài hơi tốt”, “văn đã giàu thay lại lắm lối”. Ông khẳng định tài năng của bản thân không chỉ ở phần nội dung, nghệ thuật mà văn chương còn đồ sộ về số lượng, phong phú về thể loại. Trước tài năng của Tản Đà ai nấy đều cảm thấy vui sướng, hạnh phúc: Trời “lấy làm hay” “bật buồn cười”. Các vị chư tiên “nở dạ” (sung sướng), “lè lưỡi” (thán phục), “chau mày” (suy ngẫm), “lắng tai” (chăm chú), “cùng vỗ tay” (tán dương), ao ước mong mỏi sở hữu những bài thơ bài văn ấy. Và họ tranh nhau dặn:
– “Anh gánh lên đây bán chợ Trời”
Những lời tán dương, ngợi khen của các vị chư tiên lại một lần nữa khẳng định tài năng của Tản Đà:
“ Nhời văn chuốt đẹp như sao băng
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết.”
Hàng loạt hình ảnh so sánh đẹp đẽ nhất, tinh khiết nhất: sao băng, mây chuyển, tinh như sương, đầm như mưa sa, lạnh như tuyết, đã diễn tả những vẻ đẹp đa dạng, phong phú trong thơ văn Tản Đà. Đồng thời cho thấy niềm sây mê ngưỡng mộ của họ đối với thi nhân. Niềm đam mê văn chương đã xóa nhòa khoảng cách giữa một người trần mắt thịt với những người của nhà Trời. Dường như đến với nghệ thuật, chính cái hay, cái đẹp là sợi chỉ kết nối những tâm hồn nghệ sĩ với nhau, giữa chiếu văn chương không còn người nhà Trời với người trần, không còn người bề trên với kẻ bề tôi, mà chỉ còn quan hệ giữa tác giả và độc giả.
Đoạn thơ đã cho người đọc phần nào thấy được con người của Tản Đà, ông là một người tự tin, kiêu hãnh với tài năng của bản thân, ông ý thức được giá trị của chính mình. Nhưng đồng thời cuộc vượt thoát lên chốn tiên giới này cũng cho thấy sự cô đơn, lạc lõng của ông với cuộc đời. Ông khao khát tìm được tri âm để có thể thấu hiểu tất thảy những tâm tư, tình cảm của mình. Đây đồng thời cũng là khát vọng chung của những người nghệ sĩ đương thời.
Sau khi đem tài năng thể hiện cho mọi người, Tản Đà đồng thời cũng đem những tâm sự rất thực chia sẻ với Trời cùng các chư tiên: “Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó/ Trần gian thước đất cũng không có”. Cái ông có chỉ là “một bụng văn” nhưng lại bị o ép nhiều chiều: thuê giấy mực, in, lại thuê cửa hàng, hao công tốn của những văn chương hạ giới lại rẻ mạt, “Kiếm được đồng lãi thực rất khó” “Làm ăn quanh năm chẳng đủ tiêu”. Câu thơ đậm cảm xúc ngậm ngùi, nghi ngại về sứ mệnh của kẻ cầm bút. Để rồi sau đó, Trời đưa ra những lời động viên hết sức chân thành: “Thôi con cứ về mà làm ăn/ Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết”. Lời động viên cũng chính là lời tự an ủi chính mình và các văn sĩ cùng thời. Đoạn thơ này lại cho thấy cái “ngông” trong con người Tản Đàm tự tin, kiêu hãnh về giá trị của bản thân đồng thời ông cũng có ý thức trách nhiệm với cuộc đời.
Bằng thể thơ thất ngôn trường thiên, với ngôn ngữ trong sáng, giọng điệu tự nhiên Tản Đà đã mạnh dạn thể hiện cái tôi của bản thân. Đó là cái tôi : ngông ngạo, phóng túng, tự ý thức sâu sắc về tài năng, giá trị đích thực của mình, khao khát được khẳng định giá trị của mình trước cuộc đời.
Phân tích bài thơ Hầu trời – Mẫu 3
Tản Đà được coi là “người nằm vắt mình qua hai thế kỉ”, là gạch nối giữa thơ mới và thơ cũ, là người đặt nền móng cho thơ mới. Những đánh giá ấy đã xác nhận vị trí quan trọng của Tản Đà đối với văn học Việt Nam giai đoạn giao thời. Ông là đại diện tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn này, giai đoạn văn học dân tộc có những bước chuyển mình, bắt đầu cho giai đoạn hiện đại hoá mau lẹ. Hầu trời là một bài thơ có rất nhiều điểm mới. Bài thơ thể hiện đậm nét cá tính sáng tác của Tản Đà. Mạch thơ được triển khai theo logic một câu chuyện với các chi tiết cụ thể, rành mạch, khiến cho bài thơ hấp dẫn và có sức thuyết phục: Nằm một mình, buồn nên dậy đun nước uống rồi ngâm văn, động đến Trời, tiên xuống hỏi rồi đưa lên gặp Trời, Trời cùng chư tiên đón tiếp long trọng, mời đọc thơ, giới thiệu về mình rồi đọc thơ và giãi bày cảnh ngộ cùng Trời, Trời giải thích, khen ngợi rồi cho đưa về trần giới. Nhà thơ đã chọn một cách rất độc đáo để thể hiện tâm sự của mình.
Chuyện hầu Trời bằng tưởng tượng đã giúp nhà thơ khẳng định tài năng của bản thân và bộc lộ quan niệm mới mẻ của ông về nghề văn, đồng thời thể hiện ý thức của cái Tôi cá nhân đầy cá tính của mình. Nhà thơ đã mở đầu câu chuyện của mình bằng một giọng điệu rất hấp dẫn, bịa mà rất tự nhiên, hóm hỉnh:
“ Đêm qua chẳng biết có hay không,
Thật được lên tiên – sướng lạ lùng.”
Lí do được Trời mời lên hầu cũng thật đời thường và dễ tin : Nằm buồn dậy đun nước uống, rồi ngâm thơ, chơi trăng. Và “Tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà” đã làm Trời mất ngủ. Thế là được lên Trời.
Cuộc hội kiến với Trời và chư tiên được kể lại chi tiết, hồn nhiên, nghe tự nhiên như thật. Tác giả đã chọn lối kể chuyện nôm na của dân gian để tái hiện câu chuyện hầu Trời.
Nhà thơ tưởng tượng tình huống gặp Trời để giới thiệu về mình. Giới thiệu rõ, chính xác tên tuổi, quê hương, đất nước, nghề nghiệp, kể tên các tác phẩm của mình. Nhà thơ đã chọn tình huống độc đáo: Gặp Trời, ngâm thơ cho Trời cùng chư tiên nghe, qua đó khẳng định tài năng của mình. Khẳng định một cách rất tự nhiên :
“ Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi.
Văn dài, hơi tốt ran cung mây!…”
Tự khen tài của mình nhưng lại chọn hình thức để Trời cùng chư tiên khen ngợi. Đây là một kiểu ngông đáng yêu.
Sau khi giới thiệu các tác phẩm, có phân chia rõ ràng thành từng loại theo quan điểm của bản thân (văn thuyết lí, văn chơi, văn tiểu thuyết, văn vị đời và lối văn dịch) thì đưa ra nhận xét, cùng với những nhận xét của Trời “Văn đã giàu thay, lại lắm lối” (đa dạng về thể loại, giọng điệu). Nhà thơ lại còn mượn lời của Trời để khẳng định tài năng của bản thân:
“ Trời lại phê cho: “Văn thật tuyệt
Văn trần được thế chắc có ít!…
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!””
Nhà thơ đã hiên ngang khẳng định cái Tôi của mình, gắn liền với tên tuổi thật của mình. Đó là thái độ ngông của người có tài và biết trân trọng, khẳng định tài năng của mình. Trong thời đại của Tản Đà, đất nước đang mất chủ quyền, tự giới thiệu như còn là biểu hiện của sự tự hào, tự tôn dân tộc. Hóm hỉnh hơn, nhà thơ còn khẳng định cả phong cách ngông của
mình:
– “Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu
Đày xuống hạ giới vì tội ngông.”
Qua cuộc đối thoại tưởng tượng với Trời, nhà thơ còn khẳng định nghĩa vụ và trách nhiệm cao cả của mình nói riêng và của người nghệ sĩ nói chung là lo việc “thiên lương” của nhân loại:
Trời rằng: “Không phải là Trời đày,
Trời định sai con một việc này
Là việc “thiên lương” của nhân loại,
Cho con xuống thuật cùng đời hay.”
Tạo tình huống tưởng tượng này để an ủi mình, đồng thời cũng là để nói lên ý nghĩa cao quý của văn chương, của nhà văn.
Cũng nhân đây, nhà thơ giãi bày tâm sự của mình về nghề văn. Tản Đà được coi là người đặt nền móng cho thơ Mới, không chỉ bởi thơ ông mang hơi thở hiện đại của thời đại với cái Tôi cá nhân sừng sững giữa trang văn mà còn vì ông là nhà thơ đầu tiên “mang văn chương ra bán phố phường”, coi nghề văn là nghề kiếm sống. Khi giãi bày cảnh ngộ với Trời, nhà thơ đã kể lể rất chi tiết về nghề làm văn kiếm sống này. Tản Đà cũng đã dùng lời Trời để tự an ủi mình.
Với Hầu Trời, Tản Đà đã mang đến cho văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX một không khí mới. Dưới hình thức một bài thơ – câu chuyện tưởng tượng vui và đầy hào hứng, nhà thơ đã khẳng định cái Tôi cá nhân của người nghệ sĩ. Nhà thơ vừa tự tin khẳng định tài năng của mình vừa nói lên quan điểm làm văn chương, đó là viết văn để phục vụ thiên lương. Viết văn hay làm cho đời đẹp hơn là nhiệm vụ trời đã trao cho người nghệ sĩ.
Sáng tạo độc đáo về mặt nghệ thuật của Tản Đà là đã đưa ngôn ngữ đời thường nôm na, dễ hiểu, dung dị mà vẫn rất gợi cảm vào thơ ca. Ngôn ngữ thơ ở Hầu Trời đã có sự xâm nhập của giọng điệu văn xuôi và ngôn ngữ bình dân. Không quá câu nệ vào vần luật nên mạch cảm xúc được phát triển rất tự nhiên và cái Tôi cá nhân đã thoả sức bộc lộ và thể hiện mình. Điểm độc đáo và thành công của bài thơ còn thể hiện ở chỗ tạo ra cái cớ là tình huống hầu Trời để tự khẳng định tài năng và quan niệm của mình. Đó là một kiểu ngông rất nghệ sĩ, vui vẻ và đáng yêu. Bài thơ cũng đã phác hoạ một chân dung thi sĩ Tản Đà với phong cách ngông độc đáo, đó là cái ngông của một nhà nho tài tử ở thời kì mà ý thức cá nhân bắt đầu được trân trọng và khẳng định.
Phân tích bài thơ Hầu trời – Mẫu 4
Tản Đà (1889 – 1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu, ông sinh ra và lớn lên trong buổi giao thời, Hán học đã tàn và Tây học cũng mới bắt đầu nên con người ông kể cả học vấn, lối sống và sự nghiệp văn chương đều mang dấu ấn “người của hai thế kỉ” (Hoài Thanh). Vào những năm 20 của thế kỉ XX, tên tuổi Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng trên thi đàn, một số tác phẩm tiêu biểu của ông là: “Thơ Tản Đà” (1925); “Giấc mộng lớn” (tự truyện – 1928); “Còn chơi” (thơ và văn xuôi – 1921)…Thơ Tản Đà thể hiện “cái tôi” lãng mạn, bay bổng vừa phóng khoáng lại vừa cảm thương, chính vì vậy ông đã được nhà phê bình văn học Hoài Thanh xếp ở vị trí đầu tiên trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”. Một bài thơ thể hiện khá rõ nét phong cách này của Tản Đà là bài “Hầu trời. Bài thơ được in trong tập “Còn chơi”, xuất bản năm 1921, thể hiện rõ nhất “cái tôi” cá nhân ngông nghênh, phóng túng và khao khát được khẳng định giá trị bản thân trước cuộc đời của Tản Đà.
Bài thơ “Hầu trời” gây ấn tượng sâu sắc với người đọc bằng cách vào đề, cách dẫn dắt khá bất ngờ và thú vị, cuốn hút người đọc vào câu chuyện mà tác giả sắp kể:
“Đêm qua chẳng biết có hay không
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể
Thật được lên tiên – sướng lạ lùng”
Chính tác giả là chủ thể của giấc mơ cũng không dám khẳng định là giấc mơ đó có hay không, thực hay hư ảo. Nhưng ở các câu thơ tiếp theo với việc dùng ngữ điệu mãnh mẽ như để khẳng định yếu tố thực của giấc mơ. Từ “thật” được lặp lại bốn lần cũng như để nhấn mạnh sự thật của các chi tiết, hình ảnh trong giấc mơ.
Ở những khổ thơ tiếp theo, tác giả kể về lí do được lên “hầu trời” của mình:
“Nguyên lúc canh ba nằm một mình
Vắt chân dưới bóng ngọn đèn xanh
Nằm buồn, ngồi dậy đun ấm nước
Uống xong ấm nước, ngồi ngâm văn.
….
Vào trông thấy Trời, sụp xuống lạy
Trời sai tiên nữ dắt lôi dậy
Ghế bành như tuyết vân như mây
Truyền cho văn sĩ ngồi chơi đấy”.
Câu chuyện hoàn toàn hư cấu mà giống như một câu chuyện có thật vì có đủ tình huống, không gian, thời gian diễn ra sự việc và tác giả là nhân vật chính. Tác giả giải thích lí do của buổi “hầu trời” là do “tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà” khiến Trời mất ngủ. Trời bèn sai tiên nữ xuống gọi thi sĩ lên đọc văn cho Trời nghe. Lí do của buổi “hầu trời” mà tác giả đưa ra như một khẳng định rằng: Cái may mắn được lên hầu trời gắn liền với những phút cao hứng trong thơ văn của nhà thơ.
Khi đã đưa ra lí do, tác giả kể tiếp diễn biến của buổi “hầu trời”. Câu chuyện diễn ra rất tự nhiên và hợp lí. Theo lệnh của Trời, thi sĩ đọc văn và ngâm văn của mình cho Trời và các chư tiên nghe.
“Truyền cho văn sĩ đọc văn nghe
Dạ bẩm lạy Trời con xin đọc”.
Đúng với niềm đam mê của mình, thi sĩ đọc với tất cả sự nhiệt tình và phấn khích. Có lẽ chưa bao giờ thi sĩ lại cảm thấy hứng thú và thăng hoa đến như thế này nên đọc liền một mạch:
“Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lí lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi”.
Thái độ của người nghe rất chăm chú và ai cũng tán thưởng, bộc lộ sự hâm mộ qua nét mặt, cử chỉ, điệu bộ: “Tâm như nở dạ”; “Cơ lè lưỡi”; “Hằng Nga, Chức nữ chau đôi mày”; “Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng” và khi hết mỗi bài thì tất cả cùng đồng loạt vỗ tay. Thi sĩ còn kể ra hàng loạt các tập thơ của mình như: “Khối tình”, “Đài gương”, “Lên sáu”…Nhận được sự ngưỡng mộ, thi sĩ được các chư tiên dặn: “Anh gánh lên đây bán chợ trời”.
Phân tích bài thơ Hầu trời – Mẫu 5
Tản Đà (1889 – 1939) là người có lối sống và sự nghiệp văn chương mang dấu ấn “người của hai thế kỉ”. Vào những năm 20 của thế kỉ XX, Tản Đà nổi được ví như một ngôi sao sáng trên thi đàn thơ văn Việt Nam,ông có những tác phẩm tiêu biểu như: “Thơ Tản Đà” (1925); “Giấc mộng lớn” (tự truyện – 1928); “Còn chơi” (thơ và văn xuôi – 1921)…hồn thơ Tản Đà thể hiện “cái tôi” lãng mạn, bay bổng vừa phóng khoáng lại vừa cảm thương. Hầu trời là một trong số bài thơ tiêu biểu trong tập “còn chơi” thể hiện rõ nét nhất tâm hồn phóng khoáng, đôi khi là nét ngông, và cũng góp phần khẳng định giá trị bản thân trước cuộc đời của Tản Đà.
Cách vào đề của “Hầu trời” cũng rất độc đáo, gây ấn tượng người đọc với cách vào đề, dẫn dắt độc giả vào thế giới thơ một cách cuốn hút. Bằng những câu thơ, thủ thỉ tâm tình như đang kể cho độc giả một câu chuyện như vừa mới xảy ra vậy, câu chuyện đó bắt đầu từ một giấc mơ, nhưng tác giả lại không thể biết được đó là thật hay mộng, thực hay ảo. Sự đối lập được nêu ra khi bốn từ “thật” được sử dụng trong 2 câu, chứng tả tác giả không hề mơ mộng mà nó thực chất là một giấc mơ, thế tại sao lại có sự mâu thuẫn như vậy. Nhưng dẫu sao thì nó vẫn mang lại cảm xúc thích thú vui sướng cho chính tác giả.
“Đêm qua chẳng biết có hay không
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể
Thật được lên tiên – sướng lạ lùng”
Ở những khổ thơ tiếp theo, tác giả kể về lí do được lên “hầu trời” của mình, với những câu thơ đầy tính thuyết phục, với ngòi bút của mình, Tản Đà vẽ ra một câu chuyện như vừa mới xảy ra đây thôi:
“Nguyên lúc canh ba nằm một mình
Vắt chân dưới bóng ngọn đèn xanh
Nằm buồn, ngồi dậy đun ấm nước
Uống xong ấm nước, ngồi ngâm văn.
….
Vào trông thấy Trời, sụp xuống lạy
Trời sài tiên nữ dắt lôi dậy
Ghế bành như tuyết vân như mây
Truyền cho văn sĩ ngồi chơi đấy”.
Không gian thời gian của câu chuyện mặc dù là của một giấc mơ nhưng lại rất rõ ràng, tác giả giải thích lí do của buổi “hầu trời” là do “tiếng ngân vang cả sông Ngân Hà” khiến Trời mất ngủ. Trời bèn sai tiên nữ xuống gọi thi sĩ lên đọc văn cho Trời nghe. Lí do của buổi “hầu trời” mà tác giả đưa ra như một khẳng định rằng: Cái may mắn được lên hầu trời do những phút cao hứng trong thơ văn của nhà thơ.
Câu chuyện của buổi “hầu trời” diễn ra rất tự nhiên và hợp lí, như chính tác giả vừa mới trở về từ chốn đó vậy: “Theo lệnh của Trời”, thi sĩ đọc văn và nhân văn của mình cho Trời và các chư tiên nghe.
“Truyền cho văn sĩ đọc văn nghe
Dạ bẩm lạy Trời con xin đọc”.
Với niềm phấn khích và đầy hứng khởi của mình, sự say sưa trong giọng đọc thơ, cũng ẩn ý cho niềm say mê trong văn chương đã khiến cho tác giả rất tự tin, thể hiện niềm khát khao và đam mê của chính bản thân mình. Và qua những câu thơ, người ta cũng thấy được tài năng của ông khi biết được nhiều thể loại:
“Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lí lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơn”.
Mọi người sau khi được Tản Đà đọc thơ, lấy làm rất thích thú, ai cũng bộc lộ sự hân hoan tán thưởng, kể cả ông trời cũng phải buông ra những lời tán dương mà mới nghe cũng thấy sung sướng hạnh phúc.
Thái độ của người nghe được thể hiện ở nét mặt, cử chỉ, điệu bộ: “Tâm như nở dạ”; “Cơ lè lưỡi”; “Hằng Nga, Chức nữ chau đôi mày”; “Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng” và khi hết mỗi bài thì tất cả cùng đồng loạt vỗ tay. Thi sĩ còn kể ra hàng loạt các tập thơ của mình như: “Khói tình”, “Đài gương”, “Lên sáu”…Nhận được sự ngưỡng mộ, thi sĩ được các chư tiên dặn:
“Anh gánh lên đây bán chợ trời”.
Đoạn thơ tiếp theo thể hiện rõ ý thức về “cái tôi” cá nhân của tác giả rất cao:
“Trời lại phê cho: văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít
Nhời văn chau chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!”
Những câu thơ góp phần thể hiện “Cái tôi” phóng khoáng, tác giả đã cố ý mượn lời của Trời để ca ngợi thơ văn của mình. Nó không những chứng tỏ Tản Đà rất có ý thức về tài năng văn chương vượt trội của bản thân mà còn như khẳng định chính Tản Đà là người khơi nguồn cho một cuộc cách mạng về thơ ca, đúng với cái tên “người của hai thế kỉ” mà Hoài Thanh đã gọi. Cái hay, cái đẹp trong thơ ca của Tản Đà được tác giả đem so sánh với vẻ đẹp tuyệt vời của các hiện tượng, sự vật trong vũ trụ như: sao băng, mây, gió, sương, tuyết…, qua đây cũng thấy được thái độ của tác giả tỏ ra rất tự hào, kiêu hãnh về tài năng văn chương của mình. Theo yêu cầu của Trời, thi sĩ tự xưng tên tuổi và thân thế:
” – Dạ, bẩm lạy Trời con xin thưa
Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn
Quê ở Á châu về địa cầu
Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”
Trời ngờ ngợ một lúc lâu rồi sai Thiên tào kiểm tra lại. Thiên tào tra sổ rồi bẩm báo:
” – Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu
Đày xuống hạ giới vì tội ngông”.
“- Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó
Trần gian thước đất cũng không có
…
Trời lại sai con việc nặng quá
Biết làm có được mà dám theo”
Khi được trời hỏi, sau một hồi đối đáp thì cũng lộ ra một điều rằng, vốn dĩ Tản Đà ở hạ giưới chỉ vì tội ngông. Đoạn thơ tái hiện bức tranh hiện thực được vẽ bằng bút pháp tả chân thực, tỉ mỉ và rất cụ thể, phản ánh đời sống cùng cực của tầng lớp văn nghệ sĩ một cách chính xác và tình hình lộn xộn của thị trường văn chương thời ấy. Cảm xúc ở đoạn thơ khi thi sĩ đọc thơ cho Trời nghe hứng khởi bao nhiêu thì đoạn này lại càng thể hiện tâm trạng ngậm ngùi, chua xót bấy nhiêu. Giấc mơ “hầu trời” như sự biểu hiện khát khao được thể hiện tài năng của thi sĩ. Dường như Trời cũng thấu hiểu được tình cảnh của thi sĩ nên khuyên nhủ:
“Rằng: Con không nói Trời đã biết
Trời dẫu ngồi cao, Trời thấu hết
Thôi con cứ về mà làm ăn
Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết”
Những lời khuyên của trời dù ngắn ngủi nhưng lại vô cùng có giá trị, cuộc chia tay tiễn biệt giữa trời các chư tiên và tác giả cứ quyến luyến.
“Hai hàng lụy biệt giọt sương rơi
Trông xuống trần gian vạn dặm khơi
Thiên tiên ở lại, trích tiên xuống
Theo đường không khí về trần ai”
Mặc dù đã tỉnh khỏi giấc mộng nhưng vẫn lấy làm hối tiếc khi một năm có bao nhiêu ngày nhưng may mắn chỉ có 1 đêm để hầu trời. Điều này càng chứng tỏ, lòng khát khao muốn dùng thơ văn và niềm đam mê của mình để ai ai cũng biết tới, và những ai trân trọng nó.
“Một năm ba trăm sáu mươi đêm
Sao được mỗi đêm lên hầu Trời”.
Từ một câu chuyện dường như không có thật, “hầu trời” đã phản ánh khá rõ tính cách của Tản Đà, ông đã mạnh dạn tự biểu hiện “cái tôi” cá nhân, một “cái tôi” ngông, phóng túng. Qua đó tác giả cũng ý thức rất rõ về tài năng, dám công khai cái tài văn chương hơn người của mình. Bài thơ “Hầu trời” là một bài thơ hay và độc đáo, tiêu biểu cho tính chất giao thời giữa cái mới và cái cũ trong nghệ thuật thơ Tản Đà, một trong những tác phẩm tiêu biểu cho cả hồn thơ Tản Đà và cả phong trào thơ mới.
Phân tích bài thơ Hầu trời – Mẫu 6
“Tản Đà con người của hai thế kỷ”. Cả cuộc đời, lối sống và sự nghiệp văn chương của ông đều mang dấu ấn 2 thời đại: trung đại-hiện đại. Ông sinh ra trong một gia đình quan lại phong kiến, giữa buổi Đông Tây giao thời Hán học suy tàn, Tây học cũng mới bắt đầu nên thi sĩ không theo nghiệp thi thố làm quan mà mưu sinh bằng nghề sáng tác thơ ca, viết báo, làm văn. Thơ văn của ông có thể xem là dấu gạch nối giữa hai thời đại. Trong đó đặc sắc nhất là bài thơ “Hầu trời” thể hiện cái tôi cá nhân phóng túng, tự do tự khẳng định mình bằng cảm hứng lãng mạn nhưng không thoát li khỏi hiện thực xã hội. Không giống như các nhà thơ trung đại sử dụng thể thơ cũ như: Thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, lục bát hay song thất lục bát thi sĩ sử dụng thể thất ngôn trường thiên tự do không bị ràng buộc bởi bất cứ kết cấu nào nên mạch cảm xúc được bộc lộ rất thoải mái, xuyên suốt trong toàn bài.
Mở đầu tác phẩm thi sĩ vào chuyện độc đáo và rất có duyên bằng bốn câu thơ:
“Đêm qua chẳng biết có hay không
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ màng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên-sướng lạ lùng.
Tác giả là chủ thể của câu chuyện nhưng lại không biết “có hay không”, lại càng khiến cho người đọc hoang mang bởi hai từ phủ định “chẳng”, “không” tạo mối nghi vấn, gợi trí tò mò, bán tín bán nghi nhưng thi sĩ lại khẳng định ngay là câu chuyện có thật bằng bốn từ “thật” được lặp đi lặp lại để củng cố lòng tin độc giả vào sự việc mà nhà thơ sắp kể tạo sự hấp dẫn về việc “Thật được lên tiên-sướng lạ lùng”. Đúng như lời bình của Xuân Diệu “Vào đột ngột câu đầu cũng ra vẻ đặt vấn đề cho nó khách quan, nghi ngờ theo khoa học, để ba câu sau hoàn toàn là khẳng định, ăn hiếp người ta”.
Tiếp đến nhà thơ trình bày lí do, thời gian, không gian mà mình được “lên tiên” là do nguyên lúc canh ba nằm không ngủ được nên dậy uống nước ngâm văn vẫn chưa thể chợp mắt nên ra ngoài “chơi trăng”. Bỗng có hai nàng tiên xuống nói rằng:
“Trời nghe hạ giới ai ngâm nga
…Có hay lên đọc, Trời nghe qua”.
Đó chính là lí do vì sao thi sĩ được ngâm thơ ở chốn “thiên môn đế khuyết”. Với tất cả cảm hứng, tài năng thi nhân Tản Đà đã ngâm thơ cho Trời và các chư tiên nghe với sự đắc ý và cao hứng đến tột bậc.
“Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi”
Thi sĩ đã đưa người đọc đi vào câu chuyện của mình một cách thật tự nhiên để cùng ông trải qua phút giây “sướng lạ lùng” khi được hầu trời bằng văn chương.
Văn thơ của Tản Đà được Trời khen “Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay” và được các chư tiên nghe xúc động tán dương “Tâm như nở dạ, cơ lè lưỡi”, “chau đôi mày”, “lắng tai nghe”, “Đọc xong mỗi bài cũng vỗ tay”. Nhà thơ tự do, thoải mái khẳng định tài năng và cái tôi cá nhân khi liệt kê các tập văn thơ như: văn lí thuyết “Khối tình”, văn chơi “khối tình con”, văn tiểu thuyết “Thần tiên”, “giấc mộng”, văn vị đời “Đài gương”, “lên sáu” và cuối cùng là quyển “Lên tám”. Văn chương của thi sĩ được trời khen “Văn đã giàu thay lại lắm lối”, “văn thật tuyệt”, “văn trần được thế chắc có ít”, còn các chư tiên ao ước tranh nhau dặn: “Anh gánh lên đây bán chợ Trời”. Qua lời khen ngợi của Trời và các chư tiên dành cho thi sĩ người đọc thấy được tài năng văn chương hiếm có của Tản Đà khiến cho chốn thần tiên cũng phải bùi ngùi xúc động, tấm tắc khen văn hay chữ tốt.
Thi sĩ khi nghe trời hỏi tên họ, quê quán ông không ngần ngại xưng danh tính:
“Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn
Quê ở Á Châu về Địa cầu
Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”
Trong thơ ca trung đại với đặc trưng cái tôi cá nhân bị lu mờ nhưng cũng có không ít trường hợp tự tin, không ngần ngại xưng danh như Hồ Xuân Hương “Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi/ Này của Xuân Hương đã quệt rồi” hay Nguyễn Công Trứ với câu thơ “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”. Tuy nhiên cách nói của Tản Đà đặc biệt hơn các nhà thơ trước. Ông công khai lí lịch rõ ràng và rất hiện đại có đầy đủ họ tên, quê quán, quốc tịch, châu lục, hành tinh…Dù chỉ qua đôi nét lời kể của Tản Đà nhưng ta có thể thấy được con người tài năng và phẩm chất đáng quý của ông. Thi sĩ ý thức tài năng văn chương bản thân và tự tin bộc lộ bản ngã cá nhân không chút ngần ngại không những vậy ta còn thấy được tấm lòng yêu nước sâu sắc của bậc trí thức kiêu hãnh công khai mình ở “Sông Đà núi Tản nước Nam Việt” trong hoàn cảnh chủ quyền đất nước bị xâm lăng, nền độc lập dân tộc bị đe dọa. Chính điều đó khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc của thi sĩ.
Tuy cảm hứng chủ đạo bài thơ là lãng mạn nhưng thi sĩ cũng không vì quá thăng hoa mà thoát li hiện thực cuộc sống. Nhà thơ không ngại trình bày hoàn cảnh bản thân cũng như bao văn sĩ khác dưới hạ giới:
“Bẩm trời cảnh con thực nghèo khó
…Biết làm có được mà dám theo”.
Thi sĩ đang sống trong hoàn cảnh “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, lối so sánh văn chương với bèo cho thấy giá trị thơ ca không có chỗ đứng, số phận của ông cũng như bao nhà văn nhà thơ khác lúc bấy giờ: một thước đất cắm dùi không có, kiếm được đồng lãi rất khó vì giấy người, mực người, thuê người in, làm quanh năm cũng chẳng đủ ăn, tuổi già sức yếu, học ngày một kém cuộc sống bấp bênh biết bao nhiêu. Nhà thơ vốn là con người tài năng trong lĩnh vực văn chương nhưng cả cuộc đời ông phải sống trong cảnh nghèo, quẩn quanh lo cơm áo gạo tiền mà vẫn không xong: “Hôm qua chửa có tiền nhà/ Suốt đêm thơ chẳng nghĩ ra câu nào”. Chính xã hội thực dân nửa phong kiến đã đối xử bất công với những cây bút tài hoa như Tản Đà và giới văn nghệ sĩ, người ta chạy theo lối Tây tàu nhố nhăng mà quên mất giá trị văn học dân tộc.
Lời Trời rằng không phải Tản Đà bị đày xuống hạ giới mà do Trời sai xuống “Là việc thiên lương của nhân loại” cùng với lời động viên: “Thôi con cứ về mà làm ăn/ Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết” đã củng cố niềm tin, cho thêm hi vọng vào cuộc đời. Qua đó cho ta thấy thi sĩ có cái nhìn tích cực vào cuộc sống của những con người chân chính, lương thiện. Nếu giọng thơ trước đó rất vui tươi, hào hứng khi khẳng định cái tôi cá nhân thì đến đây ta thấy sự bùi ngùi, xót thương và cũng buồn biết bao nhiêu khi tiếng gà gáy xao xác, người dậy cũng là lúc thi nhân trở về với cõi trần thực tại trong nuối tiếc:
“Một năm ba trăm sáu mươi đêm
Sao được mỗi đêm lên hầu trời”.
Tác phẩm đã khép lại với sự thành công khi thể hiện cái tôi cá nhân đầy dấu ấn, táo bạo, mãnh liệt. Thi sĩ mượn lời của trời để thể hiện tài năng bản thân với cảm xúc được bộc lộ rất thoải mái, tự do khi lựa chọn thể thơ thất ngôn trường thiên. Ngôn ngữ gần gũi đời thường ít ước lệ quy phạm mà giàu sức gợi hình gợi cảm. Lối kể chuyện hấp dẫn, giọng kể bình dân, khôi hài, hóm hỉnh mà có duyên đưa người đọc vào câu chuyện rất tự nhiên, lôi cuốn.
Bài thơ “Hầu trời” đã thể hiện được phong cách thơ rất “ngông” của Tản Đà nhưng vẫn mang tâm hồn lãng mạn đúng với nhận xét của Xuân Diệu “Chủ nghĩa lãng mạn với cá thể đã bật nứt ra trong văn học Việt Nam những năm đầu của thế kỉ XX bằng Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu”. Tác phẩm đã để lại cho ta nhiều ấn tượng về phẩm chất và tài năng của một con người được coi là dấu gạch nối giữa hai thế kỉ.
Phân tích bài thơ Hầu trời – Mẫu 7
Tản Đà (1889-1939), tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, là một nhà thơ, nhà văn nhà viết kịch và đồng thời là một trong những người dịch thơ cổ hay nhất của Việt Nam ta (đặc biệt là thơ Đường). Trên văn đàn nước ta đầu thế kỷ XX, sự đô hộ của thực dân Pháp, cùng với sự bất lực của triều đình phong kiến trước thời cuộc, đã khiến lịch sử dân tộc có nhiều biến động dữ dội, không chỉ về kinh tế chính trị mà theo đó còn là cả văn hóa. Nho học đã không còn chỗ đứng, các thể loại thơ cổ, ý nhiều lời ít trở nên cũ rích, lạc hậu và không còn hợp thời. Điều đó thôi thúc sự nổi lên và nở rộ của một số ngòi bút biết cách tân và nhạy cảm trước thời cuộc, một trong số đó chính là Tản Đà. Nếu Hoài Thanh, Hoài Chân thường nhắc đến Thề non nước hay Tống biệt như là những bài thơ tiêu biểu của Tản Đà, bởi nó có mang một chút lòng yêu nước mờ mờ ẩn hiện, chủ đề chuyên chính nhất trong văn học trung đại và văn học mọi thời đại. Nhưng thực tế xem xét kỹ ta mới thấy được, để đánh giá Tản Đà là nhà thơ nổi lên như một ngôi sao sáng cuối thời trung đại, với tài năng và khả năng sáng tác dồi dào, đồng thời là “dấu gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại” – người manh nha cho một thời kỳ thơ Mới thịnh vượng gần mười năm và lưu lại giá trị cả trăm năm. Thì có lẽ không nên kể đến những bài thơ trên mà cái tên đáng được nhắc tới phải là Hầu Trời – tác phẩm chứa đựng tất cả những gì mới mẻ, khác biệt trong phong cách và hình thức thơ của Tản Đà buổi giao thời.
Hầu Trời được Xuân Diệu dành cho những lời nhận xét rất đắt rằng đây là một trong số những bài thơ đứng lại được với thời gian, ngạo với năm tháng. Tác phẩm được đưa vào sách xuất bản lần đầu trong tập Còn chơi (1921) với tổng số câu là 120, sau in lại trong Tuyển tập Tản Đà thì bị cắt mất 6 câu còn 114 câu.
Về sáng kiến “hầu trời” phải một ý tưởng mới mẻ gì trong văn học Việt Nam ta, bởi trước đó trong văn học dân gian mô típ tương quan giữa thế giới của thần tiên, quỷ quái với thế giới của con người đã từng xuất hiện rất nhiều trong các câu chuyện dân gian ví như Cóc kiện trời, hoặc trong các tác phẩm truyền kỳ của Nguyễn Dữ ví như Chuyện người con gái Nam Xương hay Chuyện chức phán sự đền Tản Viên. Tuy nhiên khi đến với Hầu Trời, người đọc vẫn bị thu hút bởi nhiều khía cạnh, một trong số đó chính là cách vào truyện đầy độc đáo. Khổ thơ đầu tiên của tác phẩm đã mở ra một không gian hư ảo đầy sương khói mang dáng hình giấc mơ, chứa nhiều những mộng tưởng của người thi sĩ. Đem đến cho người đọc cảm giác tự nhiên khi bước từ thế giới thực tại vào trong giấc mơ của người thi sĩ, việc hầu trời của Tản Đà không còn là câu chuyện viễn tưởng hay huyễn tưởng nữa, mà nó là ý nghĩ trong mộng của người viết. “Đêm qua chẳng biết có hay không?” là một câu nghi vấn của tác giả về chuyện giấc mơ không biết là có hay không, là thực hay ảo, từ đó gợi ra cảm giác bàng hoàng, bâng khuâng của một người vừa bước ra khỏi giấc mộng đẹp. Sau khi bật ra một câu chứa nhiều nghi hoặc tác giả đã tự trả lời luôn cho cái băn khoăn của mình rằng “Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng/Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!/Thật được lên tiên – sướng lạ lùng”, để khẳng định giấc mơ đêm qua là có thật bằng cách phủ định liên tiếp với những từ “chẳng”, “không”, nhấn mạnh cảm xúc mà mình được trải nghiệm bằng cách lặp lại bốn lần từ “thật”. Dẫn dắt người đọc bước vào giấc mơ đêm, qua sự hồi tưởng của thi sĩ, đủ duyên dáng, hấp dẫn và tự nhiên.
Câu chuyện hầu trời bắt đầu bằng chuyện tác giả đọc thơ cho Trời và các chư tiên nghe. Trước khi đọc thơ thì Tản Đà cũng sơ lược về bối cảnh của nhà nhà trời trong lúc bản thân được đưa lên thiên đình, có cảnh “Cửa son đỏ chói, oai rực rỡ/Thiên môn đế khuyết như là đây” rồi “Ghế bành như tuyết vân như mây” tái hiện khung cảnh nguy nga tráng lệ, đậm chất tiên chốn bồng lai. Không chỉ vậy tác giả còn kể ra các nhân vật có trên trời ví như Trời, Cơ, Tâm, Hằng Nga, Chức Nữ, Song Thành, Tiểu Ngọc đều là những vị tiên vốn đã quen thuộc với chốn nhân gian qua các câu chuyện cổ tích, hay cả những nhân vật không có tên tuổi ví như các vị tiên nữ, tiên nga hầu trên thiên đình,… mở ra một không gian sinh động, đẹp đẽ và chân thực trong lòng độc giả. Đến cảnh đọc thơ, một phần là cung kính vâng mệnh trời phải đọc cho tử tế, hai là Tản Đà rất tự tin vào thứ văn vẻ của mình thế nên trước mặt chư tiên, thi sĩ làm ra phần cao hứng và chuẩn bị rất kỹ càng, đợi cho “Chư tiên ngồi quanh đã tĩnh túc” lại uống thêm miếng trà Trời ban cho để “nhấp giọng” rồi say sưa đọc thơ “Đọc hết văn vần sang văn xuôi/Hết văn thuyết lý lại văn chơi”. Bao nhiêu vốn liếng văn chương chuyến này Tản Đà phô ra hết, “đương cơn đắc ý đọc đã thích” đọc như chưa từng được đọc vậy. Cùng với việc mải miết đọc thơ bản thân thi sĩ còn bộc lộ thái độ tự khen mình rất rõ nào thì “văn dài hơi tốt ran cung mây” rồi thì “Văn đã giàu thay lại lắm lối”, bộc lộ thình tích đồ sộ trong nghiệp sáng tác của mình, vừa đa dạng về thể loại lại phong phú về nội dung. Không chỉ vậy ông còn bộc lộ thái độ tự khen, tự tin của mình thông qua việc thuật lại thái độ của chư tiên khi nghe văn ông:
“Trời nghe Trời cũng lấy làm hay
Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi
Hằng Nga, Chúc Nữ chau đôi mày
Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng
Đọc xong mỗi bài cùng vỗ tay”.
Tất cả đều thể hiện sự tán thưởng, chăm chú thưởng thức thơ của Tản Đà, đặc biệt thơ ông lại còn được tiên khen chứ chẳng phải kẻ phàm phu tục tử thì cũng đủ hiểu những thứ văn ấy tuyệt vời như thế nào.
Bên cạnh đó Tản Đà cũng rất hào hứng kể về những thành quả trong sự nghiệp sáng tác của mình một cách rành mạch và tự tin, sung sướng, trong những câu:
“Những áng văn con in cả rồi
Hai quyển Khối tình văn thuyết lí
Hai Khối tình con là văn chơi
Thần tiên, Giấc mộng văn tiểu thuyết
Đài gương, Lên sáu văn vị đời
Quyển Đàn bà Tàu lối văn dịch
Đến quyển Lên tám nay là mười
Nhờ Trời văn con còn bán được
Chửa biết con in ra mấy mươi?”
Rồi sau đó thi sĩ bắt đầu tự giới thiệu bản thân mình, xưng tên tuổi quê quán một cách dõng dạc và đầy tự hào “Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn/Quê ở Á châu về Địa cầu/Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”. Những cách xử sự ấy của Tản Đà cho thấy ông là một người có bản lĩnh, rất tự tin và đắc chí trong sự nghiệp văn chương, đặc biệt là trong cảnh lên chầu Trời lại như cá gặp nước, thỏa sức vẫy vùng phô diễn tài năng hiếm có.
Song hành cùng với thi sĩ chính là thái độ và cảm xúc của người nhà trời khi nghe đọc thơ, mỗi một cá nhân đều có một cảm xúc, cách thể hiện riêng. Trời vốn dĩ oai nghiêm, bệ vệ làm chủ trời đất, đứng đầu chúng tiên thế mà cũng “lấy làm hay” thậm chí hứng chí “vật buồn cười”, rồi mở miệng ngọc phê “Văn thật tuyệt”. Vị chủ sao Tâm thì sung sướng, thích chí như “nở dạ”, ngôi sao Cơ thì thấy thích thú mà “lè lưỡi”, há miệng thán phục như trẻ con. Còn Hằng Nga, Chức Nữ vốn xưa nay nổi tiếng dịu dàng, e lệ, kín kẽ khi nghe thơ của Tản Đà cũng không khỏi “chau đôi mày”, mặt ngọc ra chiều ngẫm nghĩ cho thấu ý văn sâu sắc của thi nhân. Đến Song Thành, Tiểu Ngọc hai thị nữ của Tây Vương Mẫu cũng phải “lắng tai đứng” chăm chú nghe, thích ý quên cả việc hầu hạ. Bên cạnh những cảm xúc riêng ấy thì chư tiên cùng có một điểm chung ấy là “đọc xong mỗi bài đều vỗ tay”, thể hiện sự tán thưởng, hoan nghênh nhiệt liệt trước tài văn chương của Tản Đà, cùng với niềm ao ước mong mỏi có thể sở hữu những áng văn thơ cho riêng mình để nghiền ngẫm bằng lời mời mọc tha thiết “Chư tiên ao ước tranh nhau dặn: Anh gánh lên đây bán chợ Trời!”. Từ đó xóa nhòa đi khoảng cách và thân phận của bề trên với kẻ dưới, chỉ còn lại sự yêu mến tha thiết văn chương của độc giả với người thi sĩ tài năng, để cùng nhau trở thành tri âm tri kỷ, đối với người tác giả thì chẳng còn gì sung sướng hơn. Như vậy từ cách mà Tản Đà thuật lại việc lên trời đọc thơ, và thông qua những cung bậc cảm xúc của chư tiên khi nghe người thi sĩ bộc lộ tài năng chúng ta có thể nhận thấy một số nét phác họa bức chân dung của Tản Đà. Ông hiện lên là một con người rất tự tin, kiêu hãnh về tài năng, nhận thức rất rõ về giá trị của cá nhân. Khi ở trần thế ông cảm thấy bản thân không thể tìm được người thấu hiểu, tri âm, tri kỷ, người tôn trọng, trân quý tài năng của mình, ông đã tìm vượt hẳn lên cõi tiên để chứng minh và tìm kiếm người thấu hiểu thơ văn mình. Và ở cõi tiên ấy, Tản Đà như được lột xác, được sống đúng với bản thân mình, tự tin thể hiện tài năng của mình một cách thoải mái, tự nhiên. Mặc khác, việc tìm tri âm tri kỷ ở cõi trời như vậy cũng hé lộ sự cô đơn, lạc lõng của Tản Đà, của những thi sĩ những người cầm bút sáng tác đương thời, bởi “văn chương hạ giới rẻ như bèo” và những người cầm bút sáng tác như Tản Đà hình như bị rẻ rúng, không mấy ai để ý, xem trọng, dẫn tới việc bất đắc chí ở thế gian, và buộc phải tìm sự đắc chí ở cõi khác.
Sau câu chuyện hầu trời, thì thông qua những lời bộc bạch của Tản Đà, độc giả dễ dàng nhận ra câu chuyện đời của tác giả và của chung những người cầm bút đương thời, những cảnh đời khốn khổ mà theo cách nói của Tản Đà là “thực nghèo khó”. Cụ thể thi sĩ bộc bạch với Trời rằng “Trần gian thước đất cũng không có”, đó là một nỗi ám ảnh, một nỗi đau sâu sắc nhất của thi sĩ nên nó còn trở đi trở lại trong nhiều những bài thơ khác của ông ví dụ như câu “Quê hương thời có cửa nhà thời không” trong Thú ăn chơi chẳng hạn. Rồi nỗi đau thứ hai đó là vốn liếng chỉ mỗi “có một bụng văn”, có tư chất, tài năng, thế nhưng nó lại bị o ép bởi nhiều khía cạnh, tiền giấy mực in, tiền cửa hàng thì đắt đỏ mà khốn nỗi “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, thế nên các nhà văn đương thời vướng phải cảnh trớ trêu “Kiếm được đồng lãi thực rất khó/Kiếm được thời ít tiêu thời nhiều/Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu”, đã nghèo lại càng nghèo hơn. Người nghệ sĩ lâm vào cảnh bế tắc, chỉ định rút hết bụng văn chương của mình cốt để mưu sinh, tựa con tằm rút cạn ruột để nhả tơ cho đời vậy. Mà cái nỗi đời cơ cực ấy đã được Xuân Diệu thốt lên đầy cay đắng rằng “Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ”. Từ thực cảnh đau xót của mình thi sĩ đã bộc lộ nỗi lòng ngậm ngùi trong câu “Một năm ba trăm sáu mươi đêm/Sao được mỗi đêm lên hầu Trời!”, tiếc mãi sao chỉ có mỗi một đêm văn chương của mình được có giá trị, được tôn sùng, bản thân mình được công nhận, được tự tin, thoát khỏi chốn trần ai đầy chật vật, bất đắc chí. Bên cạnh đó còn là nỗi nghi ngại về sứ mệnh, về trách nhiệm của người cầm bút. Mà sứ mệnh ấy được Tản Đà khéo léo thể hiện qua việc Thiên Tào tra sổ, thấy Tản Đà vốn là một trích tiên bị đày xuống hạ giới vì tội ngông cùng với lời truyền, mang tính chất an ủi, động viên của Trời:
“Trời rằng: “Không phải là Trời đày.
Trời định sai con một việc này
Là việc “thiên lương” của nhân loại,
Cho con xuống thuật cùng đời hay.”
Rồi bản thân Tản Đà thấy lời của Trời thế lại không khỏi nghi ngại “Trời lại sai con làm việc nặng quá/Biết làm có được mà dám theo”. Khi mà bản thân tác giả tự coi mình là một cái “Cái cây che chống bốn năm chiều”, bên ngoài chịu đựng biết bao nhiêu việc o ép như thế, biết có lo nổi việc Trời giao hay không. Từ đó nó trở thành cơ sở cho lời động viên của Trời, với sự thấu hiểu vô cùng:
“Rằng: “Con không nói Trời đã biết
Trời dẫu ngồi cao, Trời thấu hết
Thôi con cứ về mà làm ăn
Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết!”
Đồng thời cũng chính là lời tự động viên chính mình của thi sĩ, cố gắng vượt qua những thử thách, giữ được tấm lòng thông trước sương tuyết của cuộc đời, để hoàn thành trách nhiệm với cuộc đời. Trở thành cơ sở để người thi sĩ có quyền “ngông” về bản thân. Và cũng từ thân phận và cuộc đời người nghệ sĩ đương thời, ta cũng có thêm một vài nét vẽ nữa về Tản Đà. Ông hiện lên trước hết là thái độ “ngông”, bộc lộ qua sự tự tin kiêu hãnh về giá trị của bản thân, khi tự nhận mình là “trích tiên”, được Trời gửi xuống hạ giới vì sứ mệnh cao cả gieo rắc “thiên lương” cho loài người. Cũng cho thấy ông là người rất có trách nhiệm với cuộc đời, cầm bút sáng tác hướng tới chức năng cốt lõi của văn học là nhân đạo hóa con người.
Qua bài thơ Hầu Trời tác giả đã mạnh dạn thể hiện cái tôi cá nhân, một cái tôi rất ngông, rất phóng túng, cái tôi tự ý thức về tài năng và giá trị đích thực của mình, đồng thời khao khát được khẳng định giá trị của mình trước cuộc đời. Tác phẩm có một số sáng tạo khi sử dụng thể thơ thất ngôn trường thiên, giọng điệu thoải mái, tự nhiên, ngôn ngữ giản dị, sống động và hóm hỉnh, khiến cho độc giả cảm thấy gần gũi, thú vị.
Phân tích bài thơ Hầu trời – Mẫu 8
Khi chốn nước non này còn lặng lẽ vào những năm đầu thế kỉ XX, người ta bỗng thấy một nhà thơ đã làm xao động cả giới văn đàn. Ông được gọi là người “nằm vắt mình qua hai thế kỉ”, “gạch nối giữa hai thế kỉ”, người đặt nền móng đầu tiên cho thơ mới. Ông chính là Tản Đà. Điều ông mang tới là một hồn thơ lãng mạn, bay bổng mà vẫn đầy cảm thương, phong cách tài hoa, độc đáo mà vẫn giữ được cốt cách thơ ca dân tộc. Một trong những bài thơ tiêu biểu nhất cho cái tôi trong thơ ấy là Hầu Trời. Thi phẩm được in trong tập Còn chơi xuất bản vào năm 1921 đã tạo nên ấn tượng đặc biệt và khẳng định tài năng của nhà thơ.
Được viết theo thể thơ thất ngôn trường thiên khá phóng khoáng, tự do, lại thêm cách thể hiện đậm chất tự sự với các yếu tố cốt truyện, tình huống, nhân vật, lời kể… đã tạo nên một cấu tứ rất đặc biệt của tác phẩm này. Đó là một câu chuyện “hầu Trời” của nhân vật chính là tác giả – một thi sĩ, hoàn toàn hư cấu, tưởng tượng, nhưng lại được kể với một giọng điệu say mê, tự nhiên và rất bình dị. Kết hợp giữa cảm hứng lãng mạn và hiện thực, câu chuyện ấy có thể tóm tắt lại qua ba sự việc theo trật tự thời gian: trình bày lí do được lên Trời đọc thơ, cảnh đọc thơ hào hứng của tác giả và thái độ ngợi ca, tán thưởng của Trời và các chư tiên, và cuộc chia tay đầy lưu luyến, xúc động.
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn quá ấn tượng với cách mở đầu câu chuyện này của thi sĩ Tản Đà:
“ Đêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng.
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên – sướng lạ lùng,”
Đây chỉ là một lời thông báo về sự việc “được lên tiên – sướng lạ lùng” vào đêm qua mà nhiều người chúng ta nghĩ là chuyện bịa. Nhưng cách dẫn dắt của thi nhân khiến người ta tin đó là thật, mà thật một cách đầy tự nhiên, chứ không hề gượng gạo. Ông cũng đặt ra nghi vấn chẳng biết có hay không theo kiểu khoa học nhưng vẫn khẳng định rằng: không hoảng hốt, không mơ mòng và có đến bốn cái thật khiến người ta tin. Cách mở đầu câu chuyện vì thế mà đầy khéo léo và duyên dáng, đến nỗi nhà thơ Xuân Diệu cũng trầm trồ, thán phục. Tình huống độc đáo, hấp dẫn của câu chuyện được mở ra.
Ngay sau đó, thi sĩ trình bày lý do được lên tiên cũng đầy lạ lùng. Trong đêm khuya trăng sáng, lúc canh ba, nằm buồn một mình, tác giả ngồi dậy đun nước uống rồi ngâm nga văn thơ. Bỗng thấy hai cô tiên xuống, vì tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà khiến Trời không ngủ được nên Trời mời lên đọc để nghe qua. Đúng là có vẻ khó tin nhưng cách giải thích đầy hóm hỉnh và tự nhiên như thế khiến người đọc thấy được sự thú vị, đời thường và cũng đáng tin. Câu chuyện vì thế càng gợi thêm sự tò mò, hấp dẫn. Vậy đối diện với Trời, thi sĩ sẽ thể hiện mình như thế nào?
Được đón tiếp nồng nhiệt, trang trọng, ngồi ghế bành như tuyết vân như mây, uống chè trời nhấp giọng, thi nhân bước vào một cuộc thể hiện tài năng, mà khán giả không ai khác là Trời và các chư tiên. Chỉ nghĩ đến đây thôi đã thấy quả là một câu chuyện hư cấu đầy thú vị, độc đáo chưa từng có. Việc lên tiên, lên trời không phải là một đề tài xa lạ, ngay cả với bản thân thi sĩ Tản Đà, nhưng việc lên đó để ngâm văn, đọc thơ thì chắc chắn là chỉ có ông mà thôi. Bởi vậy với bút pháp lãng mạn, nhà thơ đã tái hiện lại cảnh đọc thơ cho Trời và các chư tiên nghe đầy hứng khởi, tự hào:
Trên đây là Tổng hợp các bài văn nghị luận về tác phẩm Hầu Trời – Tản Đà do dean2020.edu.vn đã tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hi vọng các bạn sẽ chọn cho mình một bài văn nghị luận thích hợp để phân tích tác phẩm Hầu Trời – Tản Đà hay nhé! Chúc các bạn học tốt!